Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp: Cần quy định cụ thể, tường minh hơn
Để tiếp tục phát huy tinh thần cải cách, nâng cao quản lý Nhà nước, góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của Dự thảo cần cụ thể, tường minh hơn…
Theo đó, để tạo diễn đàn thảo luận, trao đổi ý kiến giữa doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo về Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, ngày 15/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định về đăng ký doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mach Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh có nhiều thay đổi tích cực nhất trong thời gian vừa qua. Nếu nhìn theo chuỗi 25 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp thì đây là lĩnh vực được đánh giá có sự đột phá, thành công nhất, bởi đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc đến lĩnh vực khác…
“Liên quan đến Luật Doanh nghiệp có nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, đăng ký doanh nghiệp là lĩnh vực có nhiều chuyển biến mạnh nhất…”, ông Tuấn bày tỏ.
Theo ông Tuấn, Dự thảo Nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp (sẽ thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. So với quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định mới có một số điểm mới theo hướng điều chỉnh một số quy định để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định tại Dự thảo Nghị định sẽ tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khi thực hiện các thủ tục liên quan đăng ký doanh nghiệp…
“Mặc dù đã có những thay đổi tích, thế nhưng, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp cũng đứng trước những yêu cầu, thách thức mới. Trong đó, bên cạnh việc cần tiếp tục phát huy tinh thần cải cách, tiếp tục bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì hiện nay lĩnh vực này cũng phải đối diện với những yêu cầu thách thức là đảm bảo được quản lý Nhà nước… mong rằng, thông qua Hội thảo sẽ nhận được những ý kiến góp ý thẳng thắn từ các chuyên gia, các doanh nghiệp để chính sách được hoàn thiện”, ông Tuấn chia sẻ
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Huy – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp… để có cơ sở cho việc tham vấn cho Bộ, cho Chính phủ thông qua Nghị định này, chúng tôi hy vọng thông qua Hội thảo sẽ nhận được sự đóng góp của các đại biểu tham dự.
Chia sẻ về những điểm nổi bật của Dự thảo Nghị định, ông Huy mong rằng, các doanh nghiệp, các chuyên gia, tham vấn, góp ý xây dựng để chính sách tiếp tục phát huy được tinh thần cải cách, tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp… nhưng cũng giúp nâng cao công tác quản lý Nhà nước, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, triển khai trong thực tiễn.
Hội thảo cũng được lắng nghe đại diện cơ quan soạn thảo trình bày tóm tắt về những nội dung cơ bản của Dự thảo cũng như những vấn đề đưa ra để xin ý kiến Hội thảo.
Góp ý tham luận tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng, nội dung quy định về “bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân” trong dự thảo nghị định mới thay thế chưa có sự thống nhất. Cùng với đó, quy định về việc ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cũng nhiều điểm không phù hợp với thực tế, gây khó khăn và tăng thêm thủ tục cho doanh nghiệp khi đăng ký thành lập mới.
Bên cạnh đó, quy định về việc xử lý hồ sơ tiếp nhận trước ngày dự thảo có hiệu lực thi hành cũng chưa hợp lý và có thể tạo ra bất lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là trong trường hợp hồ sơ hợp lệ đã được tiếp nhận và có thời hạn giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Thị Thanh Huyền – thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự cũng cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề có các thủ tục chưa quy định rõ về trình tự, hồ sơ thực hiện dẫn tới cơ quan đăng ký kinh doanh từng địa phương có quan điểm áp dụng khác nhau, gây lúng túng cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh khi thực hiện. Trong khi đó, một số quy định bị chồng chéo, gây lãng phí thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Cùng với các ý kiến đã nêu, tại hội thảo, đa số ý kiến góp ý đều chung nhận định, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Dự thảo nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp cần quy định cụ thể, rõ ràng, tường minh hơn, giúp thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp từ thủ tục, biểu mẫu thực hiện đến cơ chế liên thông giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục liên quan đăng ký doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh những ý kiến góp ý từ các chuyên gia, Hội thảo cũng lắng nghe ý kiến góp ý từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến đăng ký doanh nghiệp tại các địa phương về những khó khăn, vướng mắc của chính sách trong áp dụng thực tiễn, phương hướng giải pháp hoàn thiện chính sách thời gian tới.