DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng
Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 26/6, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn kinh doanh 2024: “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.
Thông tin tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng cho biết, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa đặc biệt của nhiều xu hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số.
Những thay đổi này góp phần phát triển bền vững các chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trong sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. Thời điểm này, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế.
“Trong kết quả tích cực của nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ở một số mặt hàng trọng điểm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu khởi sắc không chỉ xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.
Tuy vậy, theo báo cáo của VCCI, trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị.
Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, những nỗ lực để Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó có 16 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thực thi tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ này vươn lên trong chuỗi giá trị.
“Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai/cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp đó chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu.
Vì vậy, trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.
Đồng thời kỳ vọng, thông qua các nội dung thảo luận cởi mở tại Diễn đàn, sẽ gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn “nút thắt” liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động tham gia, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.