Du lịch Việt phục hồi mạnh mẽ sau 6 tháng đầu năm
Khách quốc tế tăng gần 60% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch tăng 1,3 lần so với trước dịch, các thị trường lớn hồi phục là những điểm nhấn của du lịch Việt nửa đầu năm.
Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), tình hình bất ổn kinh tế, chính trị như xung đột Nga – Ukraine, Hamas – Israel cùng biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức đáng kể với ngành du lịch thế giới thời gian tới. Cạnh tranh du lịch giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng quyết liệt, trong đó công cụ được nhiều nước sử dụng là chính sách thị thực và các chương trình xúc tiến quảng bá thu hút khách.
Tại Việt Nam, kết quả du lịch 6 tháng đầu năm được Cục Du lịch Quốc gia đánh giá “phục hồi mạnh mẽ”, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Tính chung 6 tháng đầu năm tổng số khách quốc tế đạt hơn 8,8 triệu lượt; tăng gần 60% so với cùng kỳ 2023 và tăng hơn 4% so với năm 2019. Về khách nội địa, Việt Nam 6 tháng đã phục vụ hơn 66,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch hai quý đầu năm ước đạt 436.500 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và 2019.
Để đón đầu mùa cao điểm du lịch nội địa, từ tháng 4, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt đi du lịch Việt – Việt Nam tôi yêu”. Để hưởng ứng, nhiều doanh nghiệp, địa phương đã tung các gói sản phẩm, tổ chức các sự kiện như Tuần lễ Du lịch Ninh Bình; các khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội đồng loạt giảm giá để thu hút khách địa phương đến lưu trú dịp cuối tuần. Nhờ các hoạt động trên, lượng khách nội địa tăng đều qua từng tháng.
Kết quả du lịch Việt trong 6 tháng đầu năm được Cục Du lịch Quốc gia đánh giá “phục hồi mạnh mẽ”.
Dù đang trong mùa thấp điểm quốc tế, lượng khách quốc tế trong tháng 6 vẫn đạt 1,2 triệu lượt, tăng hơn 5% so với cùng kỳ 2019. “Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế”, theo Cục Du lịch.
Hàn Quốc và Trung Quốc là hai thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, chiếm hơn 47% thị phần. Trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với hơn 2,2 triệu lượt khách ghé thăm, chiếm gần 26% và Trung Quốc chiếm hơn 21% thị phần. Các thị trường gửi khách tiếp theo gồm Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia.
Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự phục hồi khách quốc tế 6 tháng đầu năm. Lượng khách Trung Quốc ghi nhận tăng gần 230%, Hàn Quốc tăng 42%, Nhật Bản tăng 39%, Đài Loan tăng 96% so với cùng kỳ 2023.
Các thị trường ở khu vực Đông Nam Á cũng là động lực giúp Việt Nam phục hồi du lịch khi lượng khách Indonesia năm nay tăng 116%, Philippines tăng 57%, Lào tăng gần 20%, Campuchia tăng 17%, Malaysia tăng 9%, Singapore tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ được Cục Du lịch Quốc gia đánh giá “là thị trường tăng trưởng tốt”. Riêng thị trường Thái Lan giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách từ thị trường châu Âu cũng được đánh giá “tăng trưởng sôi động”. Trong đó thị trường Anh tăng 29%, Đức tăng 32%, Pháp tăng 37%, Italy tăng 67%, Tây Ban Nha tăng 43%, Nga tăng 75%, Đan Mạch tăng 33%. Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.
Các gia đình ưu tiên lựa chọn điểm đến di chuyển bằng đường bộ và có xu hướng lưu trú ngắn ngày để tiết kiệm chi phí.
Cũng trong nửa đầu năm, du lịch Việt Nam được truyền thông quốc tế vinh danh ở nhiều hạng mục như Quốc gia an toàn nhất thế giới để ghé thăm 2024; Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất; Phở Việt đứng thứ hai trong top 20 món nước ngon nhất thế giới hay TP HCM vào top 10 thành phố châu Á đáng đi du lịch nhất.
Nói về tình hình hoạt động của doanh nghiệp du lịch trong nửa đầu năm 2024, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, lượng khách trong 6 tháng đầu năm đến các điểm trong nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 10-15%. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều biến động khiến nhiều gia đình quyết định cắt giảm kinh phí cho du lịch. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có xe cá nhân cũng chọn hình thức tự túc với các điểm đến gần và đi ngắn ngày. Khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc không ưu tiên lựa chọn các điểm xa như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Phú Yên… Đa phần khách chuyển hướng tới những điểm đến cự ly gần, tương đối dễ di chuyển bằng ôtô như Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình, Hải Tiến (Thanh Hóa)…
Các chuyên gia nhận định, nhiều địa phương trên cả nước đạt được kết quả tăng trưởng lạc quan trong 6 tháng đầu năm một phần nhờ chính sách thị thực thông thoáng đã thu hút khách quốc tế đến cùng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, liên tục của toàn ngành cũng như Chính phủ. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực, cơ hội cho du lịch Việt đạt được dấu mốc như trước đại dịch trong năm nay và mục tiêu 25-28 triệu lượt khách quốc tế trong 2025.