[Quảng Nam] Thúc đẩy hoạt động liên kết thương mại

Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển thương mại xuyên biên giới được xem là giải pháp hiệu quả để đưa sản phẩm Quảng Nam tiếp cận thị trường thế giới.

Quảng Nam đang phát triển hoàn thiện hạ tầng logistics. Ảnh: V.LQuảng Nam đang phát triển hoàn thiện hạ tầng logistics. Ảnh: V.L

Hoàn thiện hạ tầng logistics

Theo ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương, hoàn thiện hạ tầng logistics có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh.

Thời gian qua, Quảng Nam đã nỗ lực tập trung nghiên cứu thực hiện nhiều giải pháp hiện đại hóa các hoạt động logistics nhằm thúc đẩy giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa như xúc tiến đầu tư cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F hay quy hoạch nạo vét cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50 vạn tấn.

Đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Ooc; sửa chữa quốc lộ 14D kết nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, phát triển hành lang kinh tế Đông Tây.

Nhiều trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung cũng được nâng cấp, mở rộng, kể cả các tuyến giao thông đường thủy nội địa, đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, hầu hết đạt kết quả khá tích cực.

Giai đoạn 2021 – 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Nam đạt 13,3 tỷ USD, riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm hàng gia công may mặc, giày, chíp điện tử, vật tư xây dựng… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là linh kiện ô tô, linh kiện điện tử, nguyên liệu sản xuất gạch men, điện năng, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu…

Theo ông Võ Văn Khanh – đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung – Tây Nguyên, kết nối, hợp tác các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các lĩnh vực thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, hình thành các khu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Trong đó, Quảng Nam với những lợi thế của mình có thể hưởng lợi rất lớn.

Theo đó, cần chú trọng hoàn thiện hạ tầng logictics, cung cấp giải pháp logistics chuyên nghiệp, kết hợp nhiều phương thức vận tải. Đồng thời tăng cường chuỗi cung ứng và hoạt động hậu cần, thúc đẩy đa kênh bán hàng, áp dụng mô hình thương mại điện tử mới, phát triển chuỗi cung ứng, cung cấp kết nối thương mại cho các nguồn hàng dưới nhiều hình thức (bao gồm thương mại truyền thống và thương mại điện tử xuyên biên giới); hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp nhỏ mở cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Shopee… sẽ mang lại những hiệu quả nhất định.

Kết nối liên vùng

Với hệ thống đường cao tốc, cảng biển nước sâu, sân bay… cơ bản hoàn thiện, Quảng Nam được xem là cửa ngõ ra biển thuận lợi cho hàng hóa các tỉnh vùng Tây Nguyên và bên ngoài thông qua hành lang kinh tế Đông Tây. Từ đó, mang đến những lợi thế để xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

cn2.jpg
Hoạt động thương mại sẽ được hưởng lợi nhiều từ hoạt động liên kết kết nối liên vùng. Ảnh: V.L

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhìn nhận, khu vực miền Trung đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế biển.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước, quy mô kinh tế đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,06% GDP cả nước).

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 46,7 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 22 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD), Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa…

Một số ngành thuộc ưu thế phát triển của vùng gồm công nghiệp bán dẫn, sản xuất và thiết kế chíp, công nghiệp ven biển, du lịch biển, kinh tế hàng hải… Đây là những lợi thế mà Quảng Nam có thể nắm bắt.

Thời gian qua, bên cạnh tăng cường liên kết, Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển, nhất là hạ tầng logistics; đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển.

Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…

Theo ông Hường Văn Minh, liên kết vùng trong các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu luôn đóng vai trò quan trọng. Dù vậy, việc liên kết cũng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều sở ngành liên quan như hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, giúp đẩy nhanh tốc độ vận chuyển, giao hàng.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ, thương mại, logistics trong tình hình mới…

Theo Báo Quảng Nam