Doanh nghiệp cần cả môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là kiến nghị mà nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế muốn gửi tới phiên chất vấn của Quốc hội, diễn ra từ ngày 4 đến 6/6. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất là cách thức đồng hành, hỗ trợ như thế nào.
Nhà máy Neofloor tại Khu công nghiệp DeepC Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh |
Bài toán về sự yên tâm
“Những doanh nghiệp còn đang hoạt động, dù rất khó khăn, rất cần được bảo vệ, được hỗ trợ để tiếp tục sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Là doanh nhân, ông So hiểu rõ tình hình sức khỏe, khó khăn và cả cơ hội mà cộng đồng kinh doanh đang đối mặt. Chính vì vậy, ông nói, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lúc này rất cần, gồm cả chính sách tài khóa, như giảm, giãn thời gian nộp một số khoản thuế, phí, giảm thuế suất thuế VAT…; hay các chính sách tiền tệ, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
“Nhưng thời gian mà Chính phủ đang đề xuất là 6 tháng thì không đủ độ, không tương thích với thời gian sản xuất của doanh nghiệp. Khi thiết kế chính sách liên quan đến doanh nghiệp, cần tính đến vòng quay của chu kỳ sản xuất, kinh doanh”, ông So băn khoăn.
Đây là lý do ông So kiến nghị kéo dài thời gian các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2025, để các doanh nghiệp có dư địa tính toán kế hoạch tài chính phù hợp với các kế hoạch đầu tư, sản xuất. Cùng với đó, ông đề nghị các điều kiện thực thi cần được làm rõ, để không tạo thêm chi phí, không gây rủi ro cho doanh nghiệp và cả cơ quan thực thi.
Một lần nữa, kiến nghị cải cách môi trường kinh doanh được vị doanh nhân, đại biểu Quốc hội trên nhắc đến như một giải pháp căn cơ và quan trọng nhất để mang đến “sự yên tâm” cho các doanh nghiệp. Thực tế, điều này vẫn chưa đạt được.
“Không thể phủ nhận các nỗ lực của Chính phủ trong cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện các quy định về kinh doanh, nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập. Có cơ quan thông tin là 4 tháng đầu năm 2024 đã cắt giảm, đơn giản được 40 thủ tục hành chính, nhưng lại sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành 34 thủ tục khác… Cứ cắt cái cũ lại ban hành cái mới thì không còn ý nghĩa gì”, đại biểu Nguyễn Như So thẳng thắn.
Thậm chí, tình trạng hệ thống ngân hàng thừa tiền, trong khi tăng trưởng tín dụng thấp trong các tháng đầu năm 2024 một mặt xuất phát từ nhu cầu và sức hấp thụ của nền kinh tế, nhưng mặt khác, có lý do từ việc thiếu niềm tin của ngân hàng thương mại trong thực thi chính sách. Đại biểu Dương Văn Phước, Quảng Nam đã nhắc tới điều này khi phân tích lý do chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt như kỳ vọng.
“Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo chương trình tín dụng trước đây theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng như Thủ tướng Chính phủ, để tạo niềm tin cho các ngân hàng thương mại trong triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, đại biểu Phước kiến nghị.
Cơ hội kinh doanh không nhỏ
Quyết định lập doanh nghiệp cũng như sự trở lại thị trường của nhiều doanh nghiệp trong tháng 5/2024 dù là tin vui, nhưng ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, không phải quá đáng mừng. “Doanh nghiệp thấy cơ hội sẽ đầu tư, kinh doanh. Ngay trong khó khăn, các doanh nghiệp vẫn tìm kiếm cơ hội làm ăn mới, kể cả trong lĩnh vực mới như phát triển xanh, đầu tư vào công nghệ, AI… Vấn đề là có đủ điều kiện để thực hiện hay không”, ông Linh nói.
Điều kiện ở đây, theo ông Linh, là cơ chế, chính sách và cả thực thi. Ông kể, có dự án xây dựng nhà máy điện rác đã được phê duyệt, có địa điểm để xây dựng, nhưng cuối cùng không thể triển khai, vì thiếu cam kết của chính quyền địa phương trong việc kết nối các đơn vị thu gom, xử lý rác trên địa bàn, để đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.
Tương tự, sự ách tắc trong không ít dự án bất động sản hiện tại không phải vì pháp lý, mà là thiếu sự đồng hành của chính quyền địa phương với doanh nghiệp, chậm trễ trong xử lý thủ tục hành chính…
Hiện tại, sự hồi phục nhanh chóng của thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ mở thêm đơn hàng cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Song chính sách hỗ trợ tìm kiếm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật mới liên quan đến môi trường, phát triển bền vững… dường như vẫn chưa tương xứng.
“Doanh nghiệp tư nhân không có nhiều nguồn lực để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì càng không. Phần này rất cần sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước”, ông Linh đề xuất.
Đặc biệt, ông Linh kiến nghị mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, tham gia các dự án quy mô lớn, như dự án đường sắt đô thị, tiếp sau là các dự án hạ tầng quy mô lớn.
“Sau 3 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, đã đến lúc cần có cơ chế để doanh nghiệp Việt tham gia. Có thể đầu tiên là doanh nghiệp nhà nước vì có nguồn lực, song nếu doanh nghiệp nhà nước không đủ thì phải có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân trong nước tiếp cận… Cùng với xu hướng toàn cầu, cần có chính sách hỗ trợ, dành cơ hội kinh doanh trong nước cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Linh đề xuất.
Nền kinh tế Việt Nam cần những doanh nghiệp khỏe, chiếm lĩnh thị trường nội địa. “Để có được những doanh nghiệp như vậy trong thời gian tới, cần các chính sách hậu thuẫn từ bây giờ”, ông Linh khuyến nghị.
Trong 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 145 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 61 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 179 thủ tục, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm từ năm 2021 đến nay là 2.866 quy định kinh doanh; phân cấp 206 thủ tục hành chính; đơn giản hóa 763 thủ tục, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Tất cả các bộ, ngành đã công bố tổng số 645 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội những tháng đầu năm 2024.