[KomTum] Tập trung mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực
Nhằm đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu phát triển các loại cây trồng, thời điểm này, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tổ chức xuống giống gieo trồng các loại cây chủ lực theo đúng kế hoạch, khung thời vụ.
Theo kế hoạch triển khai nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh, tỉnh ta đề ra mục tiêu: Tiếp tục ổn định diện tích cao su; trồng mới 750ha cà phê chè xứ lạnh, tập trung ở các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei; phát triển thêm khoảng 500ha mắc ca; đặc biệt, trồng mới 2.000ha cây ăn quả, gồm 500ha sầu riêng, 1.000ha chanh dây, 100ha chuối, 80ha cây có múi, 50ha dứa và 270ha cây ăn quả khác. Đồng thời, thực hiện trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh để nâng diện tích sâm Ngọc Linh của toàn tỉnh lên 2.922ha, phát triển thêm 1.560ha cây dược liệu khác.
Hiện tại, các địa phương đã xuống giống trồng mới được 166,52ha cây ăn quả, đạt 8,33% so với kế hoạch đề ra, trong đó, có 116ha chanh dây, 23ha chuối, 10ha dứa, 7,02ha sầu riêng, 0,5ha cây có múi và khoảng 10ha các loại cây ăn quả khác.
|
Thời điểm này, trên địa bàn bắt đầu có mưa, thuận lợi cho việc xuống giống, gieo trồng các loại cây. Do đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển các loại cây trồng đảm bảo theo đúng tiến độ và kế hoạch khung thời vụ.
Như huyện Kon Plông, năm 2024, địa phương được giao chỉ tiêu trồng mới là 300ha cà phê xứ lạnh, 370ha dược liệu, 110ha cây ăn quả. Để thực hiện đạt kế hoạch được giao, huyện Kon Plông dành nhiều nguồn lực, tranh thủ, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển các loại cây trồng trong định hướng của địa phương.
Theo đó, năm 2024, huyện Kon Plông triển khai 7 dự án hỗ trợ sản xuất cà phê xứ lạnh, tổng vốn gần 3 tỷ đồng, xây dựng 2 dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất cà phê tại xã Hiếu và xã Pờ Ê; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhân dân các xã trên địa bàn Măng Cành, Đăk Tăng, Hiếu để xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đối với cây ăn quả, huyện Kon Plông tiến hành khảo sát, định hướng và quy hoạch phát triển một số vùng trồng tập trung các loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng khí hậu. Trong đó, tại các xã khí hậu nóng (như Đăk Ring, Đăk Nên và Ngọc Tem) tập trung phát triển các loại cây như mít, xoài, sầu riêng và cây có múi; các xã có khí hậu lạnh (như Măng Cành, thị trấn Măng Đen, Pờ Ê, xã Hiếu, Đăk Tăng) thì phát triển các loại cây có khả năng chịu lạnh như hồng giòn, mận hậu, chanh dây và thí điểm trồng các loại táo, lê.
Năm 2024, huyện Kon Plông tiếp tục triển khai 7 dự án hỗ trợ người dân trồng cây ăn quả (các dự án này bắt đầu triển khai năm 2023) tại các xã Măng Cành, Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọk Tem với tổng vốn số vốn 2,12 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 30ha cây ăn quả các loại.
|
Bên cạnh đó, huyện Kon Plông tiếp tục phát triển vùng dược liệu tập trung tại những xã có điều kiện như Đăk Tăng, Măng Cành và Măng Bút gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các địa phương trong huyện Kon Plông đã trồng mới được hơn 37ha dược liệu.
Nhằm đảm bảo nguồn giống phục vụ cho việc gieo trồng, huyện Kon Plông đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai ươm gần 1,7 triệu cây giống các loại.
Với thành phố Kon Tum, cây ăn quả được xác định là thế mạnh được ưu tiên đầu tư phát triển nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, thị trường. Do đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành hướng dẫn địa phương này nghiên cứu, lựa chọn, tập trung trồng một số cây phù hợp, có giá trị kinh tế như bơ, sầu riêng, cây có múi (cam, chanh và bưởi), chuối, chanh dây.
Hiện tại, thành phố Kon Tum có 1.378ha cây ăn quả. Trong năm 2024, thành phố dự kiến trồng mới khoảng 320ha. Đến thời điểm này, các hộ dân đã đăng ký, triển khai làm đất, đào hố, ủ phân, chuẩn bị cho việc xuống giống trồng cây.
Bên cạnh đó, thành phố Kon Tum tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân dồn đổi, tích tụ đất đai xây dựng các cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung cây ăn quả tại các địa phương có điều kiện như Ia Chim, Đăk Năng, Hòa Bình, Trần Hưng Đạo, Kroong và Ngọk Bay.
Cùng với tổ chức gieo trồng, mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực theo kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp cũng chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp giúp người dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình khuyến nông hiệu quả để người dân học tập và nhân rộng; hướng dẫn các tổ chức,cá nhân thiết lập vùng trồng và siết chặt giám sát mã số vùng trồng đã được cấp. Qua đó, đảm bảo mục tiêu phát triển các loại cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.