[Quảng Ngãi] Tín hiệu tích cực của ngành dệt may, da giày
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự linh hoạt trong việc kết nối, tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp, trong 4 tháng đầu năm 2024 ngành dệt may và da giày trong tỉnh đã có những tín hiệu tích cực.
Gia tăng đơn hàng
Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam phải đối diện với khó khăn chưa có tiền lệ khi lượng đơn hàng giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 10% so với năm 2022. Bước sang năm 2024, dự báo ngành dệt may sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng hàng tồn kho cao… Tuy nhiên hiện tại, các nhà máy trong tỉnh đang tích cực sản xuất khi đơn hàng ngày càng nhiều.
Đại diện Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa cho hay, các dây chuyền sản xuất của công ty đang hoạt động hết công suất để đảm bảo hoàn thành các đơn hàng. Hiện công ty đã có đơn hàng đến cuối năm nay. Sau một năm khó khăn thì năm 2024 các đơn hàng đã ổn định hơn và giá gia công cũng tăng lên. Các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Công nhân Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa trong ca làm việc. |
Tương tự, tại Công ty TNHH Toray International Việt Nam chi nhánh Quảng Ngãi, nằm trong KCN VSIP Quảng Ngãi, công nhân lao động cũng đang nỗ lực làm việc để hoàn thành các đơn hàng may mặc đã được ký kết. Đại diện công ty cho biết, năm nay các đơn hàng của công ty dồi dào, đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc.
Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành dệt may trong tỉnh đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý II/2024, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm. Theo báo cáo của Sở Công thương, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh ước đạt 34,1 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ ngành dệt may, ngành da giày trong tỉnh cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng khi lũy kế xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 của ngành này ước đạt 67,3 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là những tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ phát triển ngành dệt may, da giày
Ngành dệt may, da giày đang là ngành hàng thế mạnh của tỉnh; có nhiều lợi thế với nguồn lao động có nhiều kinh nghiệm, góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021 – 2030 đạt 15 – 17%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 ngành năm 2025 đạt 345 triệu USD, năm 2030 đạt 400 triệu USD. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa, phát triển các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành. Duy trì và phát triển 2 ngành này theo hướng ưu tiên xuất khẩu, kết hợp đáp ứng nhu cầu trong nước với mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp sức mua của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố và phát triển các dự án hiện có, tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa được sản xuất, các sản phẩm dệt may và da giày chất lượng cao.
Các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chủ lực là dệt may, da giày, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, công nghiệp thời trang, phụ trợ.