Doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần có sự hỗ trợ tư vấn chuyên nghiệp
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu qua các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp là vừa và nhỏ, sản xuất các mặt hàng truyền thống lại không am hiểu thị trường, thiếu sự chuẩn bị bài bản, dẫn đến gặp nhiều rào cản về các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của các nước toàn cầu.
Theo các chuyên gia, để có thể thâm nhập vào thị trường Mỹ nói riêng và các nước khác nói chung, doanh nghiệp Việt cần phải có sự hỗ trợ tư vấn chuyên nghiệp và bài bản.
Có thể thấy, trong nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước, phần lớn là các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, may mặc, da giầy, nông nghiệp chế biến. Với những mặt hàng nông sản tươi như trái cây, gạo là thế mạnh chủ lực của Việt Nam vẫn khó có thể thâm nhập thị trường. Tính đến nay, Việt Nam mới xuất khẩu qua thị trường Mỹ 8 mặt hàng trái cây tươi như vải thiều, thăng long, nhãn, chôm chôm, bưởi da xanh…
Để hiểu hơn về những rào cản, khó khăn và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ, phóng viên Báo Tin tức đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Cục Phát triển Doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với góc nhìn và tư cách là Đại diện Ban quản lý Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp là chủ dự án.
Thưa bà, điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ hiện nay là gì?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, cũng như hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới, đều có những hạn chế giống nhau. Hạn chế này xuất phát từ bản chất quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa của doanh nghiệp.
Cụ thể, họ thường thiếu kỹ năng quản lý, trình độ công nghệ, không có khả năng thu hút được nguồn lực tài chính đủ lớn hoặc đa dạng, phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ cũng thiếu hụt thông tin cũng như điều kiện tiếp cận hỗ trợ từ Nhà nước. Thậm chí, không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến những dự án, chương trình hỗ trợ.
Một đặc điểm đặc trưng nữa của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đó là có tinh thần học hỏi, hướng tới mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thường theo đuổi mục tiêu chưa bài bản. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ tư vấn để các chuyên gia, các tư vấn hỗ trợ, đồng hành nâng cấp hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng chính vì quy mô nhỏ nên cấu trúc linh hoạt, dễ thích ứng nhưng đi cùng với đó là chưa có được bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, từ đó cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường làm việc thiếu bài bản trong việc hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn đã có được sự nhận thức rõ ràng hơn trong việc làm thế nào để có được một chiến lược kinh doanh hướng tới phát triển nhanh và bền vững.
Qua tiếp xúc, một số doanh nghiệp chia sẻ rằng, nếu cứ phát triển bình thường về kinh doanh, quy mô lao động như hiện tại, lợi nhuận của họ cũng không có biến động gì. Họ vẫn có nguồn thu ổn định, vẫn tạo được công ăn việc làm cho một số lượng nhất định lao động nhưng về lâu về dài, nếu không chủ động thay đổi để thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của kinh tế thế giới cũng như trong nước, doanh nghiệp của họ cũng sẽ bị bất lợi và mất đi cơ hội phát triển.
Câu chuyện tìm đường xuất khẩu cũng tương tự. Doanh nghiệp luôn có kỳ vọng, có mục tiêu mở rộng thị trường, đưa được sản phẩm của mình ra với thế giới. Nhưng nhìn chung, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi nên bắt đầu từ đâu, thậm chí là đang chọn sai đường, tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc một cách vô ích.
Thực tế hiện nay, thông tin không thiếu, nếu cần doanh nghiệp có thể tự tìm trên mạng hoặc được cơ quan Nhà nước cung cấp. Thế nhưng, điều quan trọng là doanh nghiệp cần những tổ chức hỗ trợ chuyên nghiệp, những chỉ dẫn bài bản để họ rút ngắn thời gian, lộ trình, chi phí… để thực hiện mục tiêu đó. Từ những hỗ trợ tư vấn chuyên nghiệp, doanh nghiệp mới có thể biết được đang thiếu tiêu chuẩn gì, điều kiện gì, những nguồn lực cần thiết ở đâu để chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường quốc tế…
Qua hai ngày tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thâm nhập thị trường toàn cầu” tại TP Hồ Chí Minh mới đây, bà có đánh giá gì về các doanh nghiệp? Điều họ quan tâm và mong muốn nhất hiện nay là gì, thưa bà?
Thông qua 2 ngày tổ chức hội thảo, chúng tôi thấy được các doanh nghiệp rất quan tâm và nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ trên, đa số doanh nghiệp tham dự vẫn đang tự mò mẫm và chưa được hệ thống hoá thông tin, xác định lộ trình một cách hiệu quả.
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng trả phí tư vấn hoặc đầu tư xứng đáng cho những hoạt động như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn, chứng nhận cũng như nâng cao năng lực sản xuất để sản phẩm, hàng hoá đáp ứng điều kiện xuất khẩu, đặc biệt là đến các thị trường cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ…
Bên cạnh đó, giữa một rừng thông tin và rất nhiều giải pháp đến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ thông tin để chắt lọc đâu là phù hợp với doanh nghiệp mình. Điều này cho thấy, rất cần vai trò của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (cả công và tư), các đơn vị tư vấn doanh nghiệp, các chuyên gia thông qua các hoạt động hỗ trợ từ cả nguồn lực ngân sách nhà nước và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế. Các hỗ trợ này có thể bắt đầu từ các doanh nghiệp điển hình, sau đó nhân rộng mô hình, đóng gói các tài liệu hướng dẫn, các công cụ áp dụng đơn giản, chi phí hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa….
Điển hình như Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, chúng tôi có những hoạt động hỗ trợ theo cả chiều rộng (đào tạo, hội thảo diện rộng) và chiều sâu (tư vấn chuyên sâu theo nhóm hoặc tư vấn 1 – 1), qua đó giúp doanh nghiệp được trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng tổng thể bài bản và kỹ thuật chuyên sâu, có thể áp dụng được vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thấy rõ các bước để thực hiện được mục tiêu, ở mỗi bước thực hiện họ cần phải gặp ai, những đơn vị hoặc tổ chức nào phù hợp có thể giúp họ hoàn thành.
Đơn cử, một danh sách đầy đủ các đơn vị tổ chức tại Việt Nam có thẩm quyền công nhận FDA, APHIS… cũng đã có thể giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Chí ít, họ không còn bị “loay hoay” mà có thể tìm đến đúng nơi, gặp đúng người, tiết kiệm được thời gian và không còn tiêu tốn chi phí không cần thiết.
Bà có thể chia sẻ thêm về nhu cầu của thị trường Mỹ với các mặt hàng chủ yếu đến từ Việt Nam hiện nay như thế nào?
Dưới góc nhìn của một người làm hỗ trợ doanh nghiệp, tôi nhận thấy các sản phẩm nông sản, chế biến từ nông sản Việt Nam vẫn là những mặt hàng tiềm năng tại thị trường Mỹ. Cũng theo nhận định của các chuyên gia, chính việc dịch chuyển xu thế tiêu dùng người Mỹ trong giai đoạn hậu COVID-19 đã giúp rất nhiều cho nông sản Việt Nam gia tăng cơ hội trong việc thâm nhập thị trường Mỹ.
Trước đây, người Mỹ thích đồ ăn nhanh – fastfood, cũng như thói quen nấu ăn thường xuyên, nhưng sau đại dịch, họ đã bắt đầu quay lại với việc nấu ăn tại nhà, qua đó cũng quay lại với hoạt động mua sắm những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp bền vững. Đó chính là cơ hội cho nông sản Việt Nam.
Ngoài nông sản, những mặt hàng Việt Nam hiện giờ đang thu hút và được xuất khẩu sang thị trường Mỹ còn có đồ gỗ và nội thất, giầy da, dệt may, cơ khí và các sản phẩm liên quan tới công nghiệp phụ trợ… Bên cạnh đó là những sản phẩm hữu cơ – organic, thực phẩm chế biến.
Trong các dự án trước đây, cũng do USAID tài trợ, chúng tôi đã thực hiện chuỗi liên kết doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa với các doanh nghiệp đầu chuỗi, trong đó tập trung cho 3 nhóm ngành ưu tiên: Sản xuất chế tạo, điện – điện tử và cơ khí chính xác. Kết quả thu được là các hợp đồng xuất đi Mỹ rất tốt. Tất nhiên, để xuất khẩu được tới thị trường Mỹ, chúng tôi đã phải mất tối thiểu là từ 1 – 2 năm để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này.
Các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Mỹ, đã phải trực tiếp đến từng nhà máy, giúp doanh nghiệp nâng cấp các tiêu chuẩn sản xuất. Chuyên gia của dự án đến tư vấn, hướng dẫn tại hiện trường của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ, tinh gọn sản xuất để có thể giảm được giá thành, từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc.
Thị trường Mỹ luôn rất tiềm năng. Điều quan trọng là sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không.
Cũng theo các chuyên gia của dự án chia sẻ tại hội thảo lần này, Việt Nam đứng đầu trong những nước xuất khẩu gạo, nhưng gạo của Việt Nam thì hầu như “vắng bóng” tại thị trường Mỹ. Nguyên do chính vẫn là câu chuyện kiểm dịch và quy trình sản xuất ngay từ khi chọn giống, gieo trồng. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo chia sẻ, để vào được thị trường Mỹ, họ đã phải vượt qua trên 300 chỉ tiêu kiểm dịch, kiểm định thì mới có thể vào được thị trường Mỹ. Trong khi, thói quen của người nông dân Việt Nam là sử dụng nhiều hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật… trong quá trình canh tác lúa không dễ thay đổi trong ngắn hạn.
Tương tự với gạo, trái cây tươi Việt Nam rất khó thâm nhập thị trường Mỹ, vẫn với câu chuyện của kiểm dịch và kiểm soát mầm bệnh nghiêm ngặt. Các sản phẩm qua chế biến thì có cơ hội nhiều hơn.
Vậy bài học và kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt là gì?
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động vì nhận thức rõ, nếu không tự nâng cấp, tự đổi mới, số hóa doanh nghiệp thì khoảng 3 – 5 năm nữa họ cũng sẽ bị yếu thế ngay tại thị trường nội địa chứ chưa nói đến thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xác định, cần phải đi trước và chủ động tìm đến với các chuyên gia, các đơn vị hỗ trợ uy tín hay tìm hiểu từ chính doanh nghiệp đã thành công là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Đây là tín hiệu đáng mừng vì có nhận thức đúng là điều kiện cần, điều kiện đủ, nhưng có đủ nguồn lực để thực hiện được điều đó hay không cũng là bài toán cân đong đo đếm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Vì thế, lời khuyên của chúng tôi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài đầu tiên vẫn là nhận thức của doanh nghiệp để xây dựng và theo đuổi triết lý kinh doanh, tầm nhìn của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp nhận thức đúng đắn cần phải phát triển bền vững, cần phải có tầm nhìn dài hạn thì sẽ xác định được chiến lược kinh doanh của mình, khi đó doanh nghiệp sẽ có sự đầu tư tương xứng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Doanh nghiệp không thể “ăn xổi” mãi được, hay tự hài lòng với những thị trường xuất khẩu “dễ tính”.
Thứ hai, doanh nghiệp cần phải chủ động về thông tin và chủ động tiếp cận các đơn vị hỗ trợ (cả khu vực công và tư), các chuyên gia, các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái… Các chuyên gia của dự án đã chia sẻ trong hội thảo về hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất, doanh nghiệp có thể tìm kiếm khách hàng (buyer) thị trường trước, sau đó quay lại xem doanh nghiệp của mình đang thiếu cái gì, để từ đó nâng cấp đáp ứng được các yêu cầu từ người mua, từ thị trường xuất khẩu. Cách thứ hai, nếu có quy mô và nguồn lực cho phép, doanh nghiệp hãy chuẩn bị sẵn cho mình một số các tiêu chuẩn bắt buộc, tiêu chuẩn cơ bản. Khi khách hàng tìm đến, doanh nghiệp đã có sự chủ động và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ nhà mua, tạo sự tin cậy ngay từ ban đầu.
Thứ ba, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần từng bước minh bạch hóa các hoạt động, minh bạch hoá dữ liệu tài chính tạo niềm tin cho các đối tác trong và ngoài nước.
Xin trân trọng cảm ơn!