[Gia Lai] Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
Với nhiều chính sách hỗ trợ đang được áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (CCN) và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN, Gia Lai hy vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Phát triển các CCN có tính kết nối cao
Theo thông tin từ Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập và quy hoạch chi tiết 13 CCN với tổng diện tích gần 467 ha. Trong đó, 8 CCN đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc một phần với tổng vốn đầu tư 184 tỷ đồng; thu hút được 72 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích gần 120 ha, tổng vốn đăng ký gần 2.280 tỷ đồng. Đến nay, 54 dự án đang đầu tư và đi vào hoạt động với tổng vốn hơn 1.630 tỷ đồng, giải quyết được việc làm ổn định cho gần 1.200 lao động.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho hay: Các CCN đã giải quyết mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Tỉnh đang tiếp tục mời gọi và ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Bên trong Cụm công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy |
Đặc biệt, tỉnh đã quy hoạch, bố trí các CCN có tính kết nối cao khi hầu hết đều nằm dọc tuyến quốc lộ 19 (CCN Đak Đoa, Mang Yang, An Khê); quốc lộ 14 (CCN Chư Păh, Chư Pưh); quốc lộ 25 (CCN Chư Sê, Ia Sao-thị xã Ayun Pa)… Đầu năm 2024, UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghiệp Đak Pơ triển khai Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN số 1 huyện Đak Pơ với diện tích gần 75 ha, tổng vốn hơn 570 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh cũng chấp thuận đầu tư CCN huyện Ia Grai rộng 52 ha với tổng vốn khoảng 200 tỷ đồng; CCN số 2 huyện Đak Đoa có diện tích 75 ha với tổng mức đầu tư gần 370 tỷ đồng…
Đường vào Cụm Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang. Ảnh: H.D |
Ông Hoàng Tuấn Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Shinec Gia Lai, chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Dự án CCN số 2 huyện Đak Đoa-chia sẻ: “Chúng tôi rất tin tưởng khi đầu tư Dự án CCN số 2 huyện Đak Đoa. Quy mô dự án gồm: đất dịch vụ công cộng, đất xây dựng nhà máy công nghiệp, đất giao thông, đất cây xanh, đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật… Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt dự án để nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy, hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CCN
Theo ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư): Khó khăn nhất hiện nay là kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng CCN. Bởi lẽ, nếu hạ tầng chưa hoàn thiện thì nhà đầu tư sẽ không muốn vào. Trong khi đó, nguồn vốn của các địa phương còn hạn chế nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng CCN còn gặp nhiều khó khăn.
Điều đáng mừng là ngày 15-3-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về phát triển, quản lý CCN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2024. Nghị định này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN, tạo thêm cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong phát triển CCN.
Sản xuất gạch không nung tại Nhà máy Gạch ngói không nung Tiến Minh Gia Lai (Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy |
Theo đó, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được triển khai tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và các quy định khác có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Cụ thể, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN trên địa bàn (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các CCN đã đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, CCN phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển CCN do địa phương thực hiện, gồm: tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư CCN; điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào CCN; lập, thẩm định thành lập, mở rộng CCN; lập quy hoạch chi tiết xây dựng CCN; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong CCN, CCN làng nghề. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.