Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực khởi sắc
Hoạt động xuất khẩu đang có nhiều tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp (DN) bắt đầu đón hàng loạt đơn hàng mới. Đặc biệt, sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ và lâm sản…đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.
Đơn hàng tăng
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, một DN lớn trong lĩnh vực da giày cho biết, gần đây DN nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới và đã có đơn hàng đến hết tháng 6. Đây là điều hiếm gặp trong 2 năm vừa qua khi ngành da giày trải qua giai đoạn khó khăn.
Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu , tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 – 2,5 tiếng. Theo ông Trung, trong bối cảnh khó khăn, DN đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng các thị trường nhỏ và tìm kiếm các thị trường mới. “DN cũng đa dạng hoá các sản phẩm và giảm phụ thuộc vào đơn hàng của khách hàng truyền thống trước đây. Đặc biệt, DN tập trung vào những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình có nhiều đối tác ủng hộ”, ông Trung chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Việt Nam (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, đến nay, DN đã nhận được đơn hàng đến quý III/2024. Tính từ đầu năm, công ty đã xuất khẩu gần 1,4 triệu sản phẩm, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo động lực và khí thế mới cho cán bộ và người lao động để hướng đến giai đoạn phát triển trở lại trong năm nay.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho hay, tính đến 15/2, xuất khẩu giày dép của cả nước đã đạt hơn 2,46 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Các DN liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm.
Theo bà Xuân, hiện tại, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là thị trường Trung Quốc đều có sự tăng trưởng. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với ngành giày dép sau thời gian đối mặt với tình trạng “đói” đơn hàng và nhu cầu suy giảm mạnh.
Thủy sản , lâm sản khởi sắc
Trong khi đó, lĩnh vực thủy sản sau giai đoạn xuất khẩu trồi sụt đã bắt đầu có nhiều khởi sắc. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, năm nay công nhân trại tôm và lãnh đạo công ty đều đón Tết ở trại tôm, bởi đây là năm đầu tiên công ty triển khai tôm mùa nghịch đã thả giống từ cuối tháng 11/2023. Lứa tôm này là nguồn nguyên liệu chế biến cho sản phẩm xuất khẩu năm nay. Nhờ đó, bước sang năm mới, các nhà máy chế biến của công ty đang tất bật chế biến trước đơn hàng và công nhân phải tăng ca liên tục để chuẩn bị cho những chuyến hàng xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 2 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cán cân thương mại của Việt Nam xuất siêu 4,7 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lực, trong tháng 1, sản xuất tôm thành phẩm của DN tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ năm trước, đạt 1.250 tấn. Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt hơn 1.600 tấn, bằng 145% so cùng kỳ năm trước. Doanh số chung toàn công ty đạt hơn 19 triệu USD, bằng 126 % so cùng kỳ năm trước.
Bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 1, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng chủ lực đều có sự bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, cá tra đạt 165 triệu USD, cá ngừ 79 triệu USD…
Về thị trường, theo đại diện VASEP, Trung Quốc và Hồng Kông là thị trường quan trọng của thủy sản Việt Nam (với kim ngạch hơn 118 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), sau đó là Mỹ (với kim ngạch đạt 111 triệu USD), Nhật Bản, châu Âu tăng…
“Với ngành tôm, do ảnh hưởng biến động ở châu Âu, Trung Đông và chi phí vận chuyển cao nên các DN đang tập trung khai thác nhóm thị trường có vị trí gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Vậy nên, dù ngành tôm toàn cầu vẫn còn bị ảnh hưởng, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn có dư địa tăng trưởng. Còn xuất khẩu cá tra, thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 của các DN bắt đầu khởi sắc”, bà Phương chia sẻ.
Với những tín hiệu tích cực như vậy, ngay từ đầu năm, đại diện VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm, kết quả cả năm sẽ tăng trưởng so với năm ngoái, đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Tín hiệu tích cực này cũng xuất hiện ở mặt hàng chủ lực là gỗ và lâm sản . Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, lạm phát tại 2 thị trường quan trọng là Mỹ và châu Âu hiện đã giảm, cung – cầu dần cân bằng trở lại. Chỉ riêng trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đã đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm trước. “Nhiều khả năng Mỹ và châu Âu sẽ tăng tốc nhập khẩu mạnh từ quý III. Năm nay, ngành gỗ tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 17,5 tỷ USD”, ông Mạnh nói.