Chia sẻ tại họp báo tháng 12 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, ngày 24/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 94,74%.
Luật Viễn thông (sửa đổi): Quy định rõ cách thức xử lý “rác viễn thông”, đấu giá kho số
Luật Viễn thông (sửa đổi): Quy định rõ cách thức xử lý “rác viễn thông”, đấu giá kho số. Ảnh: Hải Anh
Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm: 10 chương, 73 điều, có hiệu lực từ 01/7/2024; quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), điện toán đám mây (cloud), dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) có hiệu lực từ 1/1/2025. Luật (sửa đổi) có một số điểm mới so với Luật hiện hành.
Đáng quan tâm là về phát triển hạ tầng viễn thông, Luật bổ sung quy định công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công. Tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành như: chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, xây dựng…) phải thông báo để các doanh nghiệp viễn thông đăng ký sử dụng chung.
Đồng thời, Luật quy định trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng… trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông. Bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, bộ, ngành liên quan xử lý hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Cũng theo ông ông Nguyễn Phong Nhã, đáng chú ý nữa là Luật có quy định rõ hơn về việc xử lý “rác viễn thông”.
Theo đó, Luật bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Bổ sung nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký. Bổ sung hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Về quản lý thị trường, thúc đẩy phát triển viễn thông, Luật quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông để thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bổ sung quy định về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các tổ chức nước ngoài theo hình thức qua biên giới. Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp. Bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông.
Đáng quan tâm nữa là Luật còn có các quy định về Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích, về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, về cải cách thủ tục hành chính.