[Đắk Nông] Krông Nô tạo vị thế, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Những năm qua, huyện Krông Nô đã hỗ trợ, đồng hành với các chủ thể trong việc kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại nâng cao vị thế của các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tạo vị thế cho sản phẩm đặc trưng
Sau khi hình thành vùng nguyên liệu ca cao, HTX Nông nghiệp Krông Nô được ngành chức năng hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến ca cao. Từ việc chỉ sản xuất ca cao hạt bán ra thị trường, HTX đã từng bước tạo ra các sản phẩm chế biến từ ca cao gồm bột ca cao, chocolate, rượu vang… Các sản phẩm được HTX đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã, nhãn mác bán ra thị trường. HTX Nông nghiệp Krông Nô đã dần trở thành địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng với các dòng sản phẩm về ca cao.
Sản phẩm chocolate Duy Nghĩa và bột ca cao Duy Nghĩa của HTX được trưng bày, quảng bá tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh
Hiện nay, chocolate Duy Nghĩa và bột ca cao Duy Nghĩa của HTX đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Từ khi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, HTX được ngành chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Các sản phẩm của HTX có điều kiện trưng bày, quảng bá tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Sản phẩm gắn với thương hiệu OCOP đã từng bước giúp HTX nâng cao uy tín, tạo niềm tin cho khách hàng.
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX cho biết, đạt chứng nhận OCOP đã giúp cho HTX mở rộng thị trường qua các đợt quảng bá, giới thiệu, từ đó việc kết nối tiêu thụ sản phẩm ngày càng hiệu quả và bền vững.
Quy trình sản xuất bảo đảm quy trình, nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng
Từ lâu, vùng đất Buôn Chóah, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã được mệnh danh là “vựa lúa gạo” của khu vực Tây Nguyên, với năng suất và sản lượng lớn, cung cấp gạo chất lượng cao cho thị trường. Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để “chắp cánh” cho nhãn hiệu “lúa gạo Buôn Choáh” đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật nhất là 2 sản phẩm lúa gạo ở Krông Nô. Đó là sản phẩm lúa gạo của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao và lúa gạo của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đạt hạng 3 sao cấp tỉnh.
Với diện tích gần 700 ha, sản xuất 2 vụ lúa nước, sản phẩm lúa gạo của cánh đồng Buôn Choáh đã trở thành thương hiệu đặc sản, được thị trường đón nhận và ưa chuộng
Ông Phạm Văn Lai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, chương trình OCOP đã giúp HTX giải quyết vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Lúa gạo Buôn Choáh đạt OCOP đã mở ra hướng phát triển mới và giá trị sản phẩm được nâng cao rất nhiều. Trong 5 năm qua, HTX chủ yếu trồng lúa ST24, ST25 và hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần so với trước đây.
Hiệu quả cao, nên nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất lúa. Cụ thể, bà con đã tập trung sản xuất lúa theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao, bền vững, hướng tới thị trường xuất khẩu. “Chúng tôi đang mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, đầu tư chế biến sâu, giữ gìn giá trị đặc biệt của lúa gạo Buôn Choáh mà những nơi khác không có được. Từ đó, chúng tôi tiến tới đạt OCOP Quốc gia”, ông Phạm Văn Lai chia sẻ.
Còn HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú có hơn 100 ha cam, quýt, bưởi. Sau quá trình trồng và chăm sóc đạt tiêu chuẩn hữu cơ, HTX xã xây dựng và đạt 4 sao cấp tỉnh. Khi đạt chứng nhận OCOP, qua quảng bá và giới thiệu trên các kênh và hội chợ của chương trình OCOP, sản phẩm của HTX được nhiều người biết tới, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho biết, qua các hội chợ và kết nối tiêu thụ, HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên.
HTX Sản xuất Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) có nhiều sản phẩm đạt chuẩn 4 sao được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa như cam sành núi lửa và quýt đường núi lửa
Huyện Krông Nô hiện có 16 sản phẩm OCOP với 4 sản phẩm 4 sao và 12 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Đây là kết quả của quá trình huyện hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng hình ảnh sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, huyện hỗ trợ các chủ thể xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, trong đó các chủ thể sẽ làm quen với các quy định như: phiếu phân tích đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; thiết kế bao bì, nhãn hiệu; truy xuất nguồn gốc; phát triển thị trường; xúc tiến thương mại…
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, đối với các sản phẩm đã được chứng nhận, huyện tuyên truyền các chủ thể tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích đã được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt. Huyện hỗ trợ các chủ thể tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như: OCOP, VOSO, POSTMART… “Qua quá trình triển khai thực hiện các sản phẩm OCOP đã từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, giá cả tăng cao và ổn định hơn so với trước khi chứng nhận, đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ thể tham gia”, ông Lộc đánh giá.
Sản phẩm cam, quýt của HTX Sản xuất Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) được bảo quản và đóng gói một cách nghiêm ngặt
Đồng hành với các chủ thể OCOP
Theo Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, huyện Krông Nô sẽ phát triển 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng từ 3 sao trở lên. Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, Chương trình OCOP của huyện đã khuyến khích các HTX, hộ sản xuất phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện đã được nâng cao giá trị, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là cơ sở để huyện đạt mục tiêu trong việc xây dựng sản phẩm OCOP cho giai đoạn này. Sản phẩm OCOP đang từng bước đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường…
Huyện đang đồng hành với các chủ thể trong việc xây dựng các sản phẩm nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương, đưa các sản phẩm OCOP đi tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu… để giới thiệu, quảng bá.
Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Krông Nô, sau khi được cấp giấy chứng nhận OCOP, giá trị các sản phẩm có những bước gia tăng rõ rệt. Điều này giúp các chủ thể có thêm động lực để tham gia chương trình và tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích đã được chứng nhận OCOP.
Sản phẩm OCOP đạt 4 sao gồm:
(1) Cam sành hữu cơ, (2) Quýt ngọt hữu cơ của HTX SX nông, lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú; (3) Gạo ST 24 Krông Nô của HTX sản xuất lúa gạo Buôn Choáh; (4) Bơ Núi lửa của HTX Nông nghiệp dịch vụ Bơ Núi lửa Krông Nô.
Sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm:
(1) Chocolate Duy Nghĩa, (2) Bột ca cao Duy Nghĩa của HTX NN Krông Nô; (3) Cà phê bột TIN TRUE COFFEE của HTX Tin True Coffee; (4) Cà phê bột rang xay, (5) Cà phê phin giấy của HTX PTNN Công Bằng Thanh Thái; (6) Gạo ST 24 của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh; (7) Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của HTX Đông trùng hạ thảo Rồng Vàng; (8) Hạt dổi Thanh Xuân của HTX Dịch vụ nông nghiệp gia vị ẩm thực; (9) Bưởi núi đá của HTX Dịch vụ nông nghiệp sinh thái Nâm N’đir; (10) Mật ong hương rừng núi lửa của Hộ kinh doanh Vân Phạm; (11) Ổi ruby của hộ kinh doanh Vương Thị Hằng; (12) Mật ong Hòa Phát của Hộ kinh doanh Lê Thị Ánh Nga.
Chương trình OCOP huyện Krông Nô đang phát triển ngày càng bền vững khi các chủ thể đã thấy được hiệu quả kinh tế nhờ chương trình mang lại. Các chủ thể tự tin đầu tư thêm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các chủ thể cũng tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo để kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Nhờ có OCOP, nhiều loại nông sản của huyện đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm OCOP của huyện được nhiều người biết đến, thị trường được mở rộng, giá bán tăng cao hơn so với trước đây, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ sản xuất.
Chương trình OCOP ở huyện Krông Nô đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.