[Đắk Lắk] Được coi như 1 ‘Việt Nam thu nhỏ’, vùng đất này có gì mà hấp dẫn đến như vậy?
Không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng, nơi này có nhiều điều kiện tự nhiên cũng như văn hóa – xã hội thuận tiện cho việc phát triển du lịch.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 176/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết nêu rõ, điều chỉnh nhiệm vụ thứ 6, phần II “xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa của vùng Tây Nguyên”.
Trong nhiệm vụ thứ 6 này, điều chỉnh nội dung tại gạch đầu dòng thứ 7 như sau: Xây dựng và chủ động đăng cai, tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, du lịch của tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, nâng cao và phát huy chương trình phát triển thương hiệu Cà phê đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng hình ảnh của thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố Cà phê của thế giới”. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan đến ngành Cà phê, trung tâm tài chính, trung tâm logistics.
Thành phố Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao (Ảnh: Đặng Thái Tài)
Điều chỉnh nội dung tại mục 4.5 Phụ lục I: Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, du lịch của tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh vùng Tây Nguyên, miền Trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030.
Không quy định nội dung nhiệm vụ tại mục 4.2 Phụ lục I: “Xây dựng Chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021 – 2025; triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống hoa cây cảnh, dệt thổ cẩm, đan lát gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại…”.
Vùng đất là “Thành phố Cà phê của thế giới” có gì hấp dẫn?
Theo Cổng thông tin Thành phố Buôn Ma Thuột, Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trong vùng cao nguyên phía Tây của dãy Trường Sơn, có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển.
Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên là 37.718 ha chiếm khoảng 2,87% diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk. Phía Bắc giáp huyện Cư M’Gar; phía Nam giáp huyện Krông Ana, Cư Kuin; phía Đông giáp huyện Krông Pắk; phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Buôn Ma Thuột bao gồm 13 phường và 8 xã.
Thành phố Buôn Ma Thuột được xem như là một Việt Nam thu nhỏ, trên địa bàn thành phố có 40 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc anh em trên toàn quốc, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 85% và 15% còn lại là người dân tộc khác. Trong nhóm dân tộc bản địa, người Ê Đê chiếm số lượng lớn nhất, sau tới dân tộc Tày, Thái, Hoa, Gia Rai,..
Đây là khu vực đầu mối giao thông quốc gia quan trọng, giao thông đối ngoại gắn kết Buôn Ma Thuột với các vùng phụ cận gồm có giao thông đường bộ và đường hàng không. Thành phố Buôn Ma Thuột nằm trong lõi hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, đây là lợi thế rất lớn trong khai thác và gia tăng sự đa dạng của sản phẩm du lịch.
Thành phố Cà Phê.
Buôn Ma Thuột có mạng lưới hồ thiên nhiên, nhân tạo gắn với những khu rừng, đồn điền cà phê, cao su, các buôn dân tộc tạo nên các không gian thoáng đãng, trong lành, là nơi khai thác du lịch rất hấp dẫn và sinh động. Sản vật nông nghiệp tại đây cũng rất phong phú, đa dạng như cà phê, tiêu, ca cao, bơ, ngô, các loại đậu tương… nổi bật nhất là cà phê, từ lâu đã nổi tiếng toàn thế giới, thành phố này được coi là “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam.
Thành phố Buôn Ma Thuột có 5 di tích lịch sử, văn hoá được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia. Các di tích văn hoá lịch sử của thành phố đều có giá trị phục vụ du lịch cao.
Thành phố còn có Bảo tàng tỉnh với trên 10.000 đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá. Văn hoá phi vật thể với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc khá độc đáo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “kiệt tác di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” cũng là một trong những điểm hấp dẫn của thành phố này.
Trải qua hơn 110 năm hình thành và phát triển, đến nay, Thành phố Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm Văn hóa, Kinh tế, Chính trị của tỉnh Đắk Lắk, mà còn là thành phố trung tâm cấp Vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng của vùng và cả nước.