Gỡ hàng loạt nút thắt phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết Bộ đang tham mưu và báo cáo các cấp có thẩm quyền nghiên cứu chính sách tổng thể về ưu đãi đầu tư KCN, KKT đặt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon, môi trường,..
Sáng nay 18/10, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Theo đó, đại diện ngành Kế hoạch và Đầu tư và KTNN cùng nhiều đại diện các đơn vị liên quan đã nêu bật những “nút thắt” ảnh hưởng tới sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KKT, KCN, CCN).
Hơn 30 năm hình thành và phát triển, các KKT, KCN, CCN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có 407 KCN, 18 KKT ven biển, 26 KKT cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút trên 21.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, đóng góp 11,7% tổng thu NSNN (không bao gồm dầu thô), giải quyết việc làm hơn 3,9 triệu người, tương đương 8,3% lực lượng lao động cả nước.
Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, công tác đầu tư phát triển các KKT, KCN, CCN ở nước ta vẫn đang ở giai đoạn đầu, còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức cũng như chưa đạt được nhiều thành quả tương xứng.
Nhiều nút thắt cản trở sự phát triển của khu kinh tế, khu công nghiệp
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết nhiều “nút thắt” trong phát triển KCN, KKT đang hiện hữu trong thực tế.
Một là thể chế, chính sách về KCN, KKT chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của các khu trong phát triển kinh tế – xã hội.
Hai là, chất lượng, hiệu quả quy hoạch phát triển KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu. Tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KCN, KKT với các quy hoạch: hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị chưa cao,..
Ba là, loại hình phát triển của các KCN, KKT chậm được đổi mới. KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN phụ trợ đã bước đầu hình thành tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế.
Bốn là, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế.
Năm là, vấn đề phát triển bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội trong phát triển KCN, KKT đã được đặt ra nhưng kết quả thực hiện khác nhau và không đồng đều giữa các địa phương.
Sáu là, hiệu quả sử dụng đất tại KCN, KKT chưa cao. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp. Một số KCN gặp khó khăn trong thu hút dự án đầu tư thứ cấp.
Bảy là, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT còn thấp so với nhu cầu, bởi khả năng cân đối từ ngân sách trung ương để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KCN, KKT có hạn; mức vốn phân bổ hàng năm cho các địa phương và việc huy động nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế.
Tám l à, tổ chức bộ máy cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với KCN, KKT ở trung ương và địa phương chậm được kiện toàn, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong Hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng cho biết, trên phương diện Luật, Luật đầu tư đều đều có ưu đãi cao nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp. Tuy nhiên quy định pháp luật vẫn có những nút thắt là các quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn về ưu đãi đầu tư chưa được đồng bộ.
Đơn cử trong luật quy định KCN, KKT được ưu đãi ở mức độ ngang nhau các địa bàn kinh tế. Tuy nhiên, trong Nghị định 31 có quy định đầu tư ưu đãi còn kết hợp với địa giới hành chính.
Ngoài ra, việc không đồng bộ trong các thủ tục về quản lý, cấp phép các KKT, KCN giữa trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp: “Nhiều địa phương cấp cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi của KCN, KKT, nhưng KCN, KKT đó lại chưa có quyết định thành lập”, Ông Minh nói.
Hay bà Đỗ Thị Thu Hằng – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên UB Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty phát triển khu công nghiệp Sonadezi Đồng Nai chia sẻ gặp nhiều khó khăn trên cương vị nhà đầu tư KCN và công ty hạ tầng KCN.
“Khác với các dự án khác, để làm được 1 KCN cần diện tích từ 300 ha trở lên. Với khu vực chúng tôi chưa có quỹ đất sạch, cần phối hợp với Trung ương và địa phương đền bù, giải toả. Thậm chí có những khu vực hiện nay vẫn chưa giải toả xong dù gần hết vòng đời của KCN”, bà Hằng nói.
Đại diện Sonadezi cũng cho biết, ngoài chính sách vĩ mô về đầu tư, đất đai, ưu đãi, cái quan trọng thu hút và phát triển KCN, KKT là thương hiệu địa phương – hay tính sẵn sàng trong KCN dành cho nhà đầu tư. “Khách hàng vào, chúng ta không thể nói rằng tháng sau, hay năm sau mới có, mà phải khẳng định được thời điểm nào có thể triển khai, để nhà đầu tư có thể hoạch định được thời điểm nào đưa vào sản xuất và khi nào sản phẩm của họ đưa ra được thị trường. Các dự án KCN của Sonadezi có từ rất sớm, rất lâu nhưng về thủ tục giấy tờ, không dự án nào dưới 3 năm, thường từ 5 năm trở lên”, bà Hằng chia sẻ.
Ngoài ra, “một vấn đề khác là thủ tục, cấp phép mà gọi nôm na là “giấy phép con” còn nhiều, có những giấy phép hằng năm phải đi làm, có những giấy phép chỉ kéo dài được 3 năm mà trong khi đó giấy phép hoạt động của khách hàng từ 30-50 năm”, đại diện Sonadezi cho biết.
Nghiên cứu chính sách tổng thể về ưu đãi đầu tư KCN, KKT
Về các nút thắt này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, hành trình phát triển KCN đã trải qua 4 giai đoạn.
Cụ thể, từ năm 1991 – 2000 là thí điểm một số khung và nhân rộng. Giai đoạn 2001 – 2010 phát triển rộng mô hình khung KKT, KCN,…. Giai đoạn 2011 – 2021 tiếp tục phát triển và có một số thay đổi. Từ năm 2021 đến nay là câu chuyện phát triển khung hoàn toàn khác.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cùng ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước tại buổi toạ đàm trong Hội thảo.
“Chúng ta vừa làm, vừa phát triển và cần nhìn nhận cả quá trình. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển KCN, Bộ đều có những đánh giá theo giai đoạn và đó là lý do tại sao khung pháp lý cho phát triển KCN ngày càng hoàn thiện. Các bất cập mà các diễn giả đề cập đã thay đổi căn bản từ năm 2022. Sự ra đời của Luật quy hoạch kéo theo sự phát triển của KCN đảm bảo tính đồng bộ, kết nối từ giao thông, hạ tầng, thiết chế xã hội,…”, Thứ trưởng cho biết.
Đơn cử 1 KCN thành lập mới hoặc mở rộng mà không có giải trình rõ ràng về thiết chế và nhà ở cho người lao động thì chưa được đủ cơ sở để mở rộng. Ngoài ra, vấn đề hiệu quả sử dụng đất được đặt lên hàng đầu, trước đây chúng ta có những KCN quy mô sử dụng đất lên đến hơn 2.000ha. Đến giờ khi Nghị định 35 có hiệu lực, KCN tối đa 1.000 ha và đầu tiên sẽ giao 500ha mỗi lần và cần phải gắn liền với cụm liên kết ngành.
Đối với các KCN mới, trong Nghị định 35 và sắp tới sẽ tiếp tục kiến nghị phải có cơ chế về chuyển đổi sang các mô hình KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, phát triển KCN tiên tiến tạo thành hệ sinh thái khác gồm đô thị, dịch vụ, logistic,…
Thứ Trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Bộ đang tham mưu và báo cáo các cấp có thẩm quyền nghiên cứu chính sách tổng thể về ưu đãi đầu tư đặt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon, đặt trong hàng loạt thuế khác về môi trường,…
Đồng thời, Bộ KHĐT đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và trong thời gian kiến nghị phân cấp, phân quyền việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với KCN, KKT cho UBND cấp tỉnh đảm bảo đồng bộ về Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật đầu tư.
Trong khuôn khổ Hội thảo, TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp để tháo gỡ các nút thắt, phát triển các KKT, KCN.
Trong đó, cần hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư; Quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng;…
Ưu đãi đầu tư phù hợp, đẩy mạnh thu hút đầu tư; trong đó các chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KKT, KCN mới; Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KKT, KCN theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”; cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và việc thực thi pháp luật để tránh hạn chế vai trò và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT, KCN tại địa phương.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của KKT, KCN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót, ngăn ngừa các rủi ro sai sót ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN.