VCCI – 60 năm tự tin tiến bước, kiến tạo giá trị
Từ một tổ chức “dân gian”, trải qua 60 năm, VCCI đã và đang ngày càng phát triển vững vàng trên vị thế một tổ chức quốc gia, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam…
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý VCCI năm 2023.
Theo bà Phạm Chi Lan, VCCI có sứ mệnh và tinh thần vô cùng lớn; Tổ chức và hoạt động có phong cách linh hoạt, cởi mở, hợp tác; Lãnh đạo và “người VCCI” có ý thức học hỏi, sẵn sàng chủ động đổi mới, sáng tạo để thích ứng với bối cảnh mới, có ý chí vươn lên, dám nghĩ dám làm, tiên phong trong nhiều việc mới.
Đặc biệt, với sứ mệnh và tinh thần đã nêu, ngay từ đầu VCCI đã không ngừng phấn đấu, giữ vững tinh thần, ý chí xây dựng chiến lược ngày một toàn diện hơn theo đà phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế nước nhà.
“VCCI đã và đang ngày càng phát triển vững vàng trên vị thế một tổ chức quốc gia, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế. Vị thế và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được khẳng định rõ ràng”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, trong 3 trụ cột Nhà nước – thị trường – xã hội, VCCI có vai trò thuộc về cả thị trường và xã hội nên gắn với cả hai, giúp kết nối 2 bên với nhau và với Nhà nước.
Đặc biệt, với sứ mệnh phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và xúc tiến thương mại, VCCI cần coi sự cởi mở, hợp tác với doanh nghiệp và các đối tác liên quan ở trong và ngoài nước là đương nhiên. Biết xem trọng việc lắng nghe cuộc sống, tìm hiểu những thay đổi trong môi trường làm việc chung để điều chỉnh, thích ứng, nâng hiệu quả công việc. Coi linh hoạt, năng động, sẵn sàng đáp ứng kịp thời những yêu cầu đa dạng, nhiều cái mới của doanh nghiệp là cách tốt nhất để chinh phục doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc lành mạnh để đảm bảo tổ chức và hoạt động theo phong cách này, xây dựng nên một VCCI vừa hiểu biết, có năng lực chuyên môn, vừa nhiệt tình, khách quan, vô tư và hiệu quả trong công việc…
“Vậy điều gì làm nên truyền thống tốt đẹp của VCCI”, bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề và cho biết, đội ngũ cán bộ ở VCCI qua các thời kỳ phần lớn giàu nhiệt huyết, năng động, đam mê công việc và có tinh thần phục vụ, ý thức hợp tác, thái độ thân thiện; Lãnh đạo VCCI qua các thời kỳ có những phẩm chất quan trọng: tinh thần trách nhiệm cao, hiểu việc ở VCCI, tận tâm, gương mẫu trong công việc; tổ chức và điều hành công việc hợp lý, coi trọng chất lượng và hiệu quả công việc, ủng hộ cái mới, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với bối cảnh/yêu cầu mới; tôn trọng, lắng nghe, biết trao quyền & tạo thuận lợi cho các cấp dưới làm việc; coi trọng và tạo quan hệ hợp tác tốt với doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, cách tổ chức và làm việc ở VCCI khoa học, phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc: đúng tính chất một tổ chức của cộng đồng doanh nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận, tự quản; sáng tạo, biết sắp xếp, điều chỉnh dựa trên bối cảnh, yêu cầu từng thời kỳ; quy củ nhưng không cứng nhắc; minh bạch, linh hoạt, mềm mại, dễ cho doanh nghiệp tiếp cận; đánh giá hoạt động dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc.
Tại Hội nghị, đưa ra các vận hội và thách thức thời cuộc, bà Phạm Chi Lan cho rằng, VCCI cần chọn chiến lược, trọng tâm, bước đi phù hợp với điều bất biến, song song với các phương án ứng vạn biến…; Tạo sự đồng thuận để đồng tâm hiệp lực, nhất quán và đồng bộ trong xác định chiến lược, xây dựng chương trình hành động và triển khai; Tạo năng lực, trước hết là con người, để sẵn sàng đi lên trong từng mảng việc.
“Đổi mới hay là chết – Thời gian không chờ đợi ai”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Còn theo TS Nguyễn Đình Cung – Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đội ngũ năng lực nghiên cứu về xây dựng chương trình cải cách hiện đang thiếu, chúng ta cần đội ngũ chuyên sâu hơn để làm hậu thuẫn cho các kiến nghị cải cách, vì vậy, cần lực lượng nghiên cứu thật mạnh. Đồng thời, cần sự phối hợp giữa nghiên cứu với phản biện chính sách nhiều hơn để nâng cao trách nhiệm của mình. Tôi hy vọng VCCI sẽ tiếp tục là điểm tựa của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Thu Hằng – Nguyên Tổng thư ký VCCI nhìn nhận, VCCI có vai trò tư vấn chính sách và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Việc tìm ra dịch vụ mới phù hợp cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là một thách thức rất lớn, VCCI luôn có những công cụ mới để chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2000 đến gần đây, tuy nhiên, gần đây, dịch vụ của chúng ta bắt đầu gặp nhiều thách thức. Do vậy, chúng ta cần nỗ lực tìm ra các dịch vụ mới mang đặc trưng, thương hiệu của VCCI và đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
“Tôi mong rằng, trong thời gian tới VCCI sẽ để các ban, trung tâm khác trực thuộc VCCI cùng tham gia vào hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp”, bà Hằng gợi ý.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các lãnh đạo đơn vị trực thuộc, phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho rằng: “Qua buổi tập huấn, chúng ta đã được nghe các chuyên gia chia sẻ rất tâm đắc, đặc biệt là truyền thống 60 năm của VCCI. Điều này đã truyền cảm hứng cho thế hệ VCCI. Đồng thời, qua buổi tập huấn, chúng ta cũng đã trao đổi bồi dưỡng thêm về công tác cán bộ, công tác quản lý tài chính, đối ngoại… Hy vọng rằng, qua buổi tập huấn này, chúng ta không chỉ có thêm kiến thức nghiệp vụ mà còn được truyền thêm cảm hứng để cùng nhau lãnh đạo đơn vị mình phát triển. Ban Thường vụ cũng xác định, từ năm nay, VCCI sẽ thường niên tổ chức các buổi tập huấn như thế này để gắn kết các thành viên của VCCI”.
“Chúng ta đã xác định sẽ tiên phong xây dựng văn hoá doanh nhân; tiên phong xây dựng nền móng đạo đức kinh doanh và triết lý kinh doanh. VCCI có sứ mệnh thúc đẩy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh xây dựng quốc gia phát triển. Chúng ta trên tinh thần VCCI là một gia đình sẽ cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu cao nhất. Qua đó, đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh.