[Đà Nẵng] Du lịch đường thủy nội địa: Gỡ vướng để phát triển
Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường thủy nội địa nhưng việc khai thác vẫn còn hạn chế. Những người làm du lịch cho rằng cần có các giải pháp thiết thực hơn nữa, để đường thủy nội địa trở thành thế mạnh của ngành du lịch Đà Nẵng bên cạnh các sản phẩm hiện có.
Với lợi thế sông Hàn đẹp, cần bổ sung thêm nhiều dịch vụ để tăng tiện ích cũng như sản phẩm về du lịch đường sông dành cho du khách. TRONG ẢNH: Du thuyền trên sông Hàn về đêm. Ảnh: THU HÀ
Mong sớm có thêm sản phẩm du lịch đường thủy
Là một trong những đơn vị khai thác vận tải hành khách du lịch thủy nội địa từ giữa năm 2018 đến nay, theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt AnGroup (Viet AnGroup), du lịch đường thủy đang trong tình trạng khai thác chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nguồn thu không cao, các sản phẩm du lịch đường sông còn khá nghèo nàn do hiện nay mới chỉ tập trung khai thác loại hình du thuyền đêm trên sông Hàn, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa được đầu tư đồng bộ.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực cho thấy trong thời gian qua đã có nhiều quy định, văn bản mới được ban hành nhằm tạo cơ chế mở, thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hành khách thủy nội địa hoạt động trên địa bàn thành phố như Quyết định số 3273/QĐ-UBND ngày 19-12-2022 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ban hành Kế hoạch phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mới đây, thành phố đã công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa khu vực bán đảo Sơn Trà, lộ trình từ bến CT15 đi Hòn Sụp – Bãi Nam – Bãi Đa để làm phong phú thêm loại hình vận tải này. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, với vị trí sông đổ ra biển, Đà Nẵng có thể xây dựng được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch cả trên và dưới mặt nước.
Vì thế, doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm có chủ trương hay hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện đầu tư bến thủy nội địa, bến nổi du thuyền, trung tâm dịch vụ du thuyền; các sản phẩm du lịch thủy nội địa đang được khuyến khích đầu tư đồng bộ để phục vụ du lịch; khoanh vùng đầu tư thể thao giải trí dưới nước…
Ông Đặng Hòa, chủ tàu du lịch Hàn Giang cho rằng, về khai thác du lịch đường thủy nội địa, Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế. Về tuyến sông thì có sông Cẩm Lệ, Cổ Cò, Vĩnh Điện…; các sông này có cảnh quan hai bên bờ rất đẹp, thơ mộng, sông nước sâu, dọc các sông gắn với nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa có thể phối hợp khai thác, tạo thành sản phẩm mới, rất thú vị cho khách khi đi đường sông có thể ghé lên tham quan.
Hay xa hơn là tuyến sông Hàn – Hòn Chảo, tuyến này rất đẹp nhưng cũng chưa có bến để dừng hoặc lên xuống. Vì vậy cần có một số điểm dừng nhất định cho du khách đỡ mệt, say sóng cũng là cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá…
Nhiều du khách đến Đà Nẵng thích được trải nghiệm du thuyền trên sông Hàn. Ảnh: THU HÀ
Từng bước tháo gỡ vướng mắc
Báo cáo của Sở Du lịch cho biết, năm 2021 trên địa bàn thành phố có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với 28 tàu hoạt động, sức chứa hơn 2.000 chỗ ngồi, được đóng mới hoàn toàn, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Đến năm 2023, thành phố có 19 doanh nghiệp với tổng số 26 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động từ 30-100 chỗ trở lên (17 tàu hoạt động khu vực sông Hàn, 9 tàu hoạt động khu vực bán đảo Sơn Trà) với tổng sức chứa hơn 2.000 chỗ; tổng số thuyền viên và nhân viên phục vụ trên tàu là 145 người. Số lượng nhân viên này đã tham gia tập huấn nghiệp vụ du lịch.
Về khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa, ưu tiên trong giai đoạn 2021-2023 theo chủ trương của lãnh đạo thành phố có 7 tuyến. Trong đó, có 3 tuyến đã được công nhận gồm: tuyến sông Hàn – cầu Trần Thị Lý, đây là tuyến chủ lực được doanh nghiệp khai thác thời gian qua, năm 2020 và 2021 do Covid-19, lượng khách lần lượt đạt 162.987, giảm 77,56% so với năm 2019 và 30.409 lượt, giảm 81,3% so với năm 2020; tuyến sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà và tuyến sông Hàn – Hòn Chảo.
Hai tuyến này còn thiếu điểm dừng chân, sản phẩm dịch vụ; chưa thống nhất trong việc phối hợp giữa hai địa phương để khai thác (bãi Sủng Cỏ, bãi Đa, Hòn Chảo). Các tuyến còn lại gồm: tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà (hiện UBND thành phố đã công bố tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa khu vực bán đảo Sơn Trà, lộ trình từ bến CT15 – Hòn Sụp – Bãi Nam – Bãi Đa – CT15); tuyến sông Hàn – Ngũ Hành Sơn (đã xây dựng hoàn thành 1 bến); Cẩm Lệ – Túy Loan – Thái Lai (hoàn thành 2 bến); sông Cu Đê – Trường Định.
Tuy nhiên, việc thực hiện công nhận bến gặp vướng mắc về thủ tục, còn thiếu hạng mục dịch vụ phụ trợ, chưa đầu tư được đội tàu đủ điều kiện hoạt động, do đó, chưa bảo đảm cơ sở tiến hành công nhận tuyến vận tải đường thủy theo quy định để doanh nghiệp đưa vào khai thác…
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch thông tin thêm, thời gian qua thành phố đã chỉ đạo quyết liệt cùng với các ngành quan tâm phối hợp triển khai công bố hoạt động bến thủy nội địa CT15, K20, qua đó góp phần tạo sản phẩm du lịch thành phố.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư bến thủy nội địa đang được các ngành quan tâm triển khai; đồng thời, phối hợp Sở Du lịch rà soát, tham mưu UBND thành phố bổ sung vị trí đầu tư xây dựng bến thủy nội địa khớp nối với công tác thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành du lịch, giao thông vận tải, tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phối hợp xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tế vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như hạ tầng kỹ thuật đường thủy nội địa chưa có cảng biển chuyên dụng, cảng Sông Hàn chỉ là cảng tạm cho du lịch; việc điều chỉnh quy hoạch và đầu tư, xây dựng các cảng, bến thủy còn chậm. Việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt còn nhiều thủ tục theo quy định, thời gian kéo dài, nhiều dự án chưa được phê duyệt quy hoạch để bảo đảm cơ sở triển khai đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng và công bố các cảng, bến thủy nội địa theo quy định.
Một số quy định về vận tải đường thủy nội địa chưa phù hợp với thực tế, không bảo đảm điều kiện để doanh nghiệp khai thác các loại hình tàu thủy lưu trú du lịch hoặc tàu du lịch cao cấp, du thuyền dưới 30 chỗ trên tuyến sông Hàn – cầu Trần Thị Lý, sông Hàn – Hòn Chảo, sông Hàn – cửa biển – bán đảo Sơn Trà, tuyến CT15 đi Bãi Đa để phục vụ phân khúc khách cao cấp…