Vượt qua khó khăn trước mắt, kinh tế Việt Nam duy trì triển vọng tích cực
Chuyên trang phân tích kinh tế Seeking Alpha gần đây đã có bài viết đánh giá nhiều mặt về kinh tế Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn trước mắt
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2023 ở mức 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cách khá xa tốc độ tăng trưởng thường niên 8% năm 2022. Lĩnh vực xuất khẩu sản xuất của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ tăng trưởng chậm lại ở Mỹ và EU, hai thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 4 tháng đầu năm cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 13,6% trong năm 2022, tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đã giảm 21,6% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang EU trong 4 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 10,8% so với cùng kỳ. Các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện và linh kiện sang EU giảm 30% so với cùng kỳ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023, trong khi xuất khẩu hàng dệt may sang EU giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể, giảm 12,9% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm 2023. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện và linh kiện cũng như điện thoại di động sang Trung Quốc đại lục trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023 giảm 14,9% so với cùng kỳ.
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global trong ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 45,3 trong tháng 5 từ mức 46,7 trong tháng 4. Trong cuộc khảo sát mới nhất cũng đã ghi nhận nhu cầu của khách hàng giảm đi. Khi số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các doanh nghiệp cũng giảm sản lượng vào giữa quý 2 của năm nay.
Cuộc khảo sát tháng 5 cũng cho thấy nhu cầu suy giảm khiến các nhà cung cấp giảm giá. Nhờ đó, chi phí đầu vào đã giảm lần đầu tiên sau ba năm. Việc giảm giá đầu vào đã phần nào hỗ trợ các công ty giảm chi phí của chính họ, từ đó giảm giá để kích cầu. Giá đầu ra sản xuất giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.
Động lực tăng trưởng trung hạn
Chuyên trang phân tích này cũng đánh giá về triển vọng trung hạn trong 5 năm tới, có một số động lực chính dự kiến sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á.
Đầu tiên, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí lương cho ngành sản xuất tương đối cạnh tranh so với các địa điểm sản xuất khác.
Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động tương đối lớn, được đào tạo tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực ở Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn của các công ty đa quốc gia.
Thứ ba, dự kiến chi tiêu vốn tại Việt Nam sẽ tăng nhanh, phản ánh đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ của các công ty đa quốc gia nước ngoài cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong nước. Ví dụ, chính phủ Việt Nam đã ước tính rằng cần 133 tỷ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng điện mới vào năm 2030, bao gồm 96 tỷ USD cho các nhà máy điện và 37 tỷ USD để mở rộng lưới điện.
Một yếu tố nữa là nhiều công ty đa quốc gia đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất của họ trong suốt thập kỷ qua để giảm bớt khả năng bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và các sự kiện địa chính trị. Xu hướng này đã được củng cố thêm bởi đại dịch COVID-19, khi sự gián đoạn kéo dài đã tạo ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả ô tô và điện tử. Hiện tại, Việt Nam cũng là một trong những điểm đến ưa thích của các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản khi họ muốn phát triển sản xuất tại khu vực ASEAN.
Triển vọng kinh tế tích cực
Seeking Alpha đánh giá, bất chấp những trở ngại trong ngắn hạn và xét về triển vọng kinh tế thời gian tới, , nhiều động lực tăng trưởng tích cực đang tạo ra những luồng gió thuận lợi và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh về tổng GDP cũng như GDP bình quân đầu người của Việt Nam. Triển vọng kinh tế từ năm 2023 đến năm 2026 là mở rộng kinh tế nhanh chóng.
Triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam được đánh giá tích cực. Ảnh: Seeking Alpha.
Với dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thập kỷ tới, tổng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 327 tỷ USD năm 2022 lên 470 tỷ USD vào năm 2025, và tăng lên 760 tỷ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa là GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, từ 3.330 USD/năm vào năm 2022 lên 4.700 USD/năm vào năm 2025 và 7.400 USD vào năm 2030, dẫn đến quy mô thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam được mở rộng đáng kể.
Vai trò là một trung tâm sản xuất chi phí cạnh tranh của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có, đặc biệt là dệt may và điện tử, cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như ô tô và hóa dầu.
Việt Nam đã có nhà sản xuất ô tô điện trong nước, Vinfast, ra mắt xe điện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2021. Vào tháng 3 năm 2022, Vinfast công bố khoản đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô ở Bắc Carolina, Mỹ để sản xuất xe buýt và SUV EV, cũng như sản xuất pin EV. .
Đối với nhiều công ty đa quốc gia trên toàn thế giới, các lỗ hổng đáng kể trong chuỗi cung ứng đã bộc lộ do sự gián đoạn kéo dài của hoạt động sản xuất công nghiệp tại một số trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu trong thời gian phong tỏa do đại dịch. Điều này sẽ thúc đẩy việc định hình lại chuỗi cung ứng sản xuất hơn nữa trong trung hạn, khi các công ty cố gắng giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước những sự gián đoạn nghiêm trọng như vậy.
Khu vực ASEAN sẽ hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, trong đó Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nước đón nhận được làn gió mới này.