[Quảng Ngãi] Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường
Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động để giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Mới đây, các DN của Quảng Ngãi đã tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các DN và tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM). Tại đây, một số DN của Quảng Ngãi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng nguyên tắc hợp tác thương mại với các DN của 14 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Đắk Lắk, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định. Các DN của Quảng Ngãi cũng được trao đổi về kinh nghiệm trong xử lý khó khăn, vướng mắc khi tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt là, tìm hiểu các tiêu chuẩn và nhu cầu nhập hàng tại các trung tâm phân phối và hệ thống bán lẻ trong nước thông qua các tổ chức XTTM của ngành công thương.
Trong tháng 4/2023, Sở Công thương cũng đã chủ trì triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhân ngày Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Cụ thể như, triển khai xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; điểm bán hàng Việt bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Tháng 6/2023, Sở Công thương sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động kích cầu tiêu dùng thông qua phiên chợ hàng Việt tại các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Lý Sơn. Đồng thời, phối hợp khảo sát lựa chọn DN đủ điều kiện để hỗ trợ kinh phí khuyến công, thương mại điện tử năm 2023. Tập huấn hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công thương đã khảo sát, lập kế hoạch hỗ trợ DN, đặc biệt là các siêu thị, đơn vị bán lẻ hàng hóa triển khai các hoạt động XTTM kết hợp chương trình bình ổn thị trường, giá cả. Các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã dịch vụ thương mại trong tỉnh cũng thường xuyên được Sở Công thương kết nối tham gia hội chợ, hội nghị, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh ở tầm khu vực, toàn quốc, nhất là các thị trường lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Đặc biệt, cuối tháng 5/2023 (từ ngày 25 – 28/5) nhiều DN, hợp tác xã của Quảng Ngãi sẽ tham gia sự kiện Kết nối thông tin thị trường xuất khẩu, với chủ đề “Nông sản Việt vươn xa” và Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại TP.Hồ Chí Minh.
Tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 DN, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định, sức cạnh tranh yếu. Vì thế, Sở Công thương đã triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa” sát thực, với các giải pháp hỗ trợ phù hợp yêu cầu thực tế của DN. Theo đó, Sở Công thương đã tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa của trung ương và của tỉnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định cho DN. Cùng với đó là, tham mưu cho tỉnh ban hành quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn…
Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân cho biết, hiện sở đang triển khai thí điểm một số cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, thực hiện lồng ghép theo nhiệm vụ triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc các ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh tham gia cụm liên kết, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đề xuất Bộ Công thương xây dựng kế hoạch hỗ trợ, bao gồm hỗ trợ hợp đồng tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, XTTM, thương mại điện tử; hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường, tạo cơ hội cho DN nhỏ và vừa phát triển.