[Đắk Nông] Xu hướng phát triển du lịch nông thôn ở Đắk Nông
Đắk Nông đang đẩy mạnh phát triển thế mạnh du lịch nhằm tạo thêm lực đẩy trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó, tỉnh tập trung phát triển các mảng du lịch mang tính đặc trưng, thế mạnh.
Phát triển du lịch trong xây dựng NTM là một trong 6 chuyên đề của giai đoạn 2021-2025. Du lịch nông thôn được coi là một lực đẩy mới cho xây dựng NTM Đắk Nông.
Du lịch giúp các huyện, thành phố thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng ở những bon, buôn truyền thống; các điểm, tuyến du lịch kết nối với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Để cụ thể điều này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Đắk Nông đang tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp chính. Trước hết, tỉnh hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng “du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững”.
Chủ một trang trại ở Gia Nghĩa giới thiệu về
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết, Đắk Nông sẽ áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các mô hình này phải gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không rác thải. Tỉnh hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch.
Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025. Đắk Nông là 1 trong 12 tỉnh trong cả nước và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên được lựa chọn với mô hình “Phát triển du lịch cộng đồng bon Pi Nao tại xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp”.
Phụ nữ bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, Đắk R’lấp (Đắk Nông) hy vọng tăng thu nhập với sản phẩm dệt thổ cẩm cung cấp cho dịch vụ du lịch
Bà Trần Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) cho biết, xã có bon Pi Nao được chọn làm mô hình thí điểm phát triển du lịch cộng đồng.
Đây là động lực cho địa phương trong xây dựng NTM bền vững. Phát triển du lịch sẽ giúp tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho bà con, từng bước xóa đói giảm nghèo.
“Bon Pi Nao sẽ phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tự nhiên, môi trường bản địa”, bà Liên thông tin.
Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch HTX Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông cho biết, các thành viên HTX đánh giá rất cao về những định hướng của tỉnh trong phát triển du lịch nông nghiệp.
Trong xu thế kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, việc phát triển du lịch nông nghiệp có tác dụng bổ trợ, thúc đẩy các hoạt động du lịch khác.
“Bất cứ du khách nào đến địa phương cũng muốn tìm hiểu, thưởng thức, mang về những sản vật đặc trưng. Đây là lợi thế lớn để làm du lịch nông nghiệp”, ông Hoàng đánh giá.
HTX Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông đã tổ chức được 50 tour du lịch trong tỉnh
Cũng theo ông Hoàng, HTX đã kết nối, hợp tác xây dựng được các tour, tuyến tham quan, trải nghiệm tại các trang trại, farm, các điểm của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Các tour này diễn ra từ 1-3 ngày trong tỉnh. Sau 5 tháng thành lập, HTX đã tổ chức được 50 tour và được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.