Với mục tiêu đưa Gia Lai trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, Kế hoạch đề ra 5 nội dung để thực hiện gồm: hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; phát triển hạ tầng dịch vụ logistics: cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.
Trong đó, về phát triển hạ tầng dịch vụ logistics, tỉnh sẽ chú trọng phát triển hạ tầng giao thông vận tải thông qua việc triển khai Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông. Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối cảng cạn (ICD), cảng biển, cảng hàng không trong địa bàn tỉnh và khu vực. Đảm bảo phát triển kết hợp giữa dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan. Đầu tư xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp chất lượng giao thông đường bộ, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển trung tâm logistics, tỉnh sẽ cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Tăng cường phối hợp giữa các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch. Định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng logistics. Nghiên cứu, thu hút đầu tư, xây dựng trung tâm logistics có quy mô phù hợp kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng. Gia tăng số lượng kho bãi hiện đại khi nhu cầu sản xuất tăng; thành lập các khu kho, bãi tập trung gần các khu, cụm công nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cấp và hình thành mới các kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho chuyên dùng để phục vụ hàng quá cảnh và trung chuyển. Phát triển kho hàng hóa chuyên dùng phù hợp với đặc tính thương phẩm như: kho hàng lạnh, kho bảo quản nông sản, xăng dầu… và các mặt hàng đặc thù khác.
Về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh sẽ phối hợp với các viện, trường đại học, xây dựng chương trình, tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về logistics cho cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp; phổ biến, tuyên truyền về pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, các điều khoản hiệp định thương mại liên quan đến logistics; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics. Có chính sách thu hút lực lượng lao động có trình độ, kỹ thuật vào hoạt động logistics trên địa bàn; khuyến khích, vận động, tuyên truyền doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang-thiết bị, công nghệ đi đôi với tự đào tạo và đào tạo lại lao động tại chỗ.