[Quảng Ngãi] Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Giúp doanh nghiệp vươn xa
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao, việc xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp (DN). Chính vì thế, thời gian qua, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các DN đã được chú trọng hơn.
Tập trung xây dựng thương hiệu
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hằng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam. Mục đích nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam; khơi dậy khát vọng của các cấp, ngành, xã hội và cộng đồng DN trong công cuộc xây dựng thương hiệu DN nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung, vì một Việt Nam hùng cường.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. ẢNH: TH.NHỊ
Tại Quảng Ngãi, kể từ năm 2008 đến nay, đã có những thương hiệu hàng hóa, dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao được tôn vinh, quảng bá, truyền thông điệp đến cộng đồng, tạo dựng niềm tin tiêu dùng vững chắc. Tiên phong trong xây dựng thương hiệu là Công ty CP Đường Quảng Ngãi. Trải qua gần 50 năm hình thành, phát triển, hiện nay công ty hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống, với 17 đơn vị thành viên và các chi nhánh, văn phòng đại diện đặt tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Các sản phẩm của công ty gồm đường, sữa đậu nành, nước khoáng, bánh kẹo, bia, nha công nghiệp. Công ty đã 5 lần có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia (các năm 2014, 2016, 2018, 2020 và 2022).
Phong trào xây dựng thương hiệu hàng hóa của Quảng Ngãi ngày càng trở nên mạnh mẽ. Nhiều DN đang phấn đấu tiến lên từng nấc thang trong bộ tiêu chí thương hiệu vươn tới tầm quốc gia. Hiện nay, Quảng Ngãi có 79 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 90 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị trong cả nước. Ngoài ra, nhiều sản phẩm là đặc sản, đặc trưng vùng miền đang được cải tiến mẫu mã, đổi mới sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường. Nhiều sản phẩm trong số này được kỳ vọng sẽ vươn tới thương hiệu quốc gia, góp phần quảng bá hàng hóa “made in Quảng Ngãi”, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều sản phẩm tiêu biểu
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 7.000 DN đang hoạt động. Trong đó, rất nhiều DN đầu tư dự án quy mô lớn, sản xuất ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, có vị thế vững vàng trên thị trường tiêu dùng thế giới. Có thể kể đến là các sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, thuộc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn; sản phẩm thép các loại của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất; sản phẩm của Công ty TNHH Doosan Ennerbility Việt Nam… Đây cũng là những sản phẩm công nghiệp chủ lực, là động lực tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi. Sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính. Vì thế, việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng, phát triển thương hiệu luôn được các DN này đặc biệt quan tâm.
Doosan Vina xuất khẩu 11 module nặng 1.226 tấn sang Singapore. Ảnh: D.S
Ngoài các DN lớn, nhiều DN nhỏ của Quảng Ngãi cũng có chiến lược xây dựng thương hiệu riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Có những DN kinh doanh trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản đã lựa chọn chuỗi hệ thống thực phẩm sạch để xây dựng thương hiệu cho mình. Đại diện chuỗi cung ứng thực phẩm sạch Naganic cho biết, khi chất lượng sản phẩm ổn định, thì ưu tiên hàng đầu là xây dựng thương hiệu. Hiện có khá nhiều sản phẩm đặc sản của Quảng Ngãi đã được kết nối vào các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, nhờ DN quan tâm và ngành công thương hỗ trợ quảng bá thương hiệu.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt cho biết, các DN ở Quảng Ngãi đã quan tâm, cố gắng phát triển thương hiệu của mình một cách bền vững. Khi có thương hiệu thì mới có cơ hội tốt trong xúc tiến thương mại hàng hóa trong nước và quốc tế. Nhiều DN ở Quảng Ngãi đã phát triển thương hiệu mạnh, tạo ra sự khác biệt lớn với sản phẩm cùng loại, nâng cao sức cạnh tranh, phục vụ xuất khẩu.
Trước những đòi hỏi của việc xây dựng thương hiệu, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nêu rõ tầm quan trọng của nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, DN và sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế. Cụ thể hóa chiến lược này, thời gian gần đây, Sở Công thương không ngừng triển khai các hoạt động hỗ trợ DN đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa. Sở đã triển khai các chương trình, hoạt động đa dạng về phát triển thương hiệu như trưng bày, hội chợ, triển lãm sản phẩm tại các sự kiện lớn của tỉnh và khu vực.
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Quảng Ngãi đã tham gia hàng loạt các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu hàng hóa, qua đó kết nối được nhiều sản phẩm vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Gần đây nhất là tại Hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư thương mại giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (tổ chức tại Khánh Hòa), đã có 2 DN Quảng Ngãi ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vào Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail. Đó là Công ty TNHH TBT với các loại gạo hữu cơ và Công ty TNHH Phú Sinh với sản phẩm nông sản sạch.
Gian nan bảo vệ thương hiệu
Sản phẩm của Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy, thuộc Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy hàng chục năm qua đã khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong ngành hàng sữa đậu nành, nhiều năm liền sản phẩm được công nhận Thương hiệu Quốc gia. Không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà sản phẩm Vinasoy đã khá thành công khi từng bước gia nhập các thị trường đầy tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… hứa hẹn sẽ không ngừng gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Sản xuất sữa đậu nành Fami tại Nhà máy Sữa Vinasoy thuộc Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi). Ảnh: T.L
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 4/2023, kênh NHK Japan cho biết cơ quan chức năng TP.Chiba (Nhật Bản) phát hiện vi khuẩn Coliform trong sữa đậu nành Fami Calcium Soymilk được nhập khẩu từ Việt Nam bởi một công ty có trụ sở tại phường Mihama, Chiba. Ngay lập tức, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy đã liên hệ với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm khẳng định có hay không tình trạng nhiễm khuẩn này. Theo kết quả kiểm định, sản phẩm Vinasoy âm tính cho mẫu lưu đối chứng của lô hàng sữa đậu nành Fami Calcium Soymilk bị thu hồi tại TP.Chiba. Công ty nhận định, việc nhiễm khuẩn Coliform với 25 thùng sữa đậu nành Fami Calcium Soymilk tại TP.Chiba chỉ xảy ra đơn lẻ trong quá trình vận chuyển và lưu thông.
Ở một khía cạnh khác, hiện nay, có một số thương hiệu của Quảng Ngãi đã quen thuộc với người tiêu dùng rất lâu, song chỉ vì chủ nhân của thương hiệu chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu nên đã mất đi quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Đã có khá nhiều vụ tranh chấp về thương hiệu xảy ra liên quan đến vấn đề này. Mặt khác, cũng có trường hợp đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, nhưng cũng bị giả nhãn hiệu của mình bày bán công khai trên thị trường. Vì thế, vấn đề bảo vệ thương hiệu vẫn còn lắm gian nan.
Không ngừng đổi mới sáng tạo
Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 – 20/4/2023), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên – Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, đã gửi thư chúc mừng cộng đồng DN. Trong đó khẳng định giá trị thương hiệu quốc gia năm 2022 tiếp tục tăng 11,1% so với năm 2021, từ 388 tỷ USD lên 431 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 32 trong tốp 100 Thương hiệu Quốc gia mạnh trên thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn, cộng đồng DN Việt Nam tiếp tục vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.