VCCI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tìm kiếm thị trường mới
Đó là một trong những hoạt động sẽ được VCCI triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam, được Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ tại lễ khai mạc Triển lãm Saigontex 2023.

Trao đổi với báo giới bên lề Lễ khai mạc triển lãm Quốc tế Ngành Công nghiệp Dệt & May – Thiết bị & Nguyên phụ liệu 2023 (Saigontex 2023), ông Võ Tân Thành – Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, triển lãm Saigontex 2023 là một sự kiện rất quan trọng đối với ngành dệt may Việt Nam.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành (thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Saigontex 2023 – Ảnh: Đình Đại.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, triển lãm trưng bày những máy móc, thiết bị và những sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất. Với sự tham gia của 1.300 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm Saigontex 2023 được đánh giá là sự kiện triển lãm lớn nhất từ trước đến nay của ngành dệt may Việt Nam.

Bên cạnh hoạt động triển lãm, ban tổ chức cũng sẽ tổ chức 6 hội thảo chuyên đề. Thông qua các hội thảo này sẽ cung cấp các thông tin về mặt chính sách, thông tin về thị trường, giới thiệu những sản phầm mới, công nghệ mới, giúp cho các doanh nghiệp có thể nắm bắt những thông tin mới nhất, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể thiết lập được các mối quan hệ kinh doanh mới.

“Tôi nghĩ rằng, triển lãm này sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp gỡ những đối tác trong nước cũng như quốc tế, nhằm thiết lập các quan hệ kinh doanh. Bên cạnh đó, triển lãm này cũng góp phần nâng cao vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.

Cũng theo ông Võ Tân Thành, ngành dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 phát triển rất thuận lợi. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý IV/2022, do tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu suy giảm, cầu về hàng dệt may trên thị trường thế giớ giảm, kéo theo đơn đặt hàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị giảm theo.

Các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Saigontex 2023 – Ảnh: Đình Đại.

“Tình hình này có thể sẽ kéo dài trong quý I và quý II/2023, nên các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu mặt hàng dệt may và da giầy. Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các thị trường mới và đổi mới công nghệ để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn hiện nay, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, thời gian tới, VCCI sẽ nỗ lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may vượt qua khó khăn, bằng cách đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các triển lãm trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, VCCI cũng sẽ tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin về thị trường, đặc biệt là các thị trường mới để doanh nghiệp có thể thâm nhập vào các thị trường mới, ngoài các thị trường truyền thống. Song song đó, VCCI cũng sẽ tổ chức nhiều khóa đào tạo, hội thảo, nhằm nâng cao kỹ năng về quản trị, cũng như các kỹ năng về thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ. Cùng với đó, chúng tôi sẽ kịp thời tập hợp những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kiến nghị với các cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp