[KonTum] Đưa nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trải qua hơn 30 năm phát triển, ngành Nông nghiệp tỉnh có những thay đổi vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Từ một tỉnh có nền nông nghiệp lạc hậu, chỉ sản xuất các cây trồng đơn thuần với diện tích manh mún, nhỏ lẻ, đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Năm 1991, tỉnh Kon Tum chỉ có 39.928ha diện tích gieo trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa là 17.829ha; mì 6.532ha; cà phê 3.046ha; cây cao su 886ha…, đối với chăn nuôi, thời điểm bấy giờ, việc chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương thức chăn nuôi còn lạc hậu, gia súc (trâu, bò) chủ yếu được nuôi làm sức kéo, heo và gia cầm được nuôi để phục vụ đời sống gia đình của người dân.
Nhưng với việc xác định nông nghiệp là thế mạnh, cần đưa nông nghiệp thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo “lực đẩy” để phát triển kinh tế- xã hội, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương ưu tiên đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển nông nghiệp nhằm tạo ra những đổi thay vượt bậc ở lĩnh vực này. Nhờ vậy, trong những năm qua, trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn đã có sự phát triển đúng đắn, toàn diện và đạt nhiều kết quả nhất định, “diện mạo” của nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh từng bước thành hình, khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế của tỉnh.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông. Ảnh: Đ.T
Tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, phát triển vững chắc, phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tăng trưởng của ngành theo từng giai đoạn là: giai đoạn 1992-1995, tăng trưởng bình quân 3,28%/năm; giai đoạn 1996- 2000, tăng trưởng bình quân 10,7%/năm; giai đoạn 2001-2005, tăng trưởng bình quân 9,15%/năm; giai đoạn 2005-2010, tăng trưởng bình quân 7,52%/năm; giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng bình quân 7,0%/năm; giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng bình quân 5,1%/năm.
Tổng diện tích gieo trồng một số loại cây trồng chính của tỉnh phát triển mạnh, đạt 197.994ha. Trong đó, thay đổi rõ nét nhất là diện tích cây công nghiệp tăng lên như, cà phê đạt 29.708,9ha, cao su đạt 77.491,9ha; diện tích một số cây trồng khác, như cây ăn quả đạt 9.423ha, cây mắc ca đạt 2.326,7ha, cây sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.749ha, cây dược liệu khác đạt khoảng 5.119ha.
Chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trồng trọt và đem lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 vùng nông nghiệp dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.942ha, diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt hơn 16.192ha, các sản phẩm trồng trọt đạt năng suất, chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với chăn nuôi, đến nay, tổng đàn gia súc của tỉnh đạt 274.500 con; trong đó, đàn trâu 25.000 con, đàn bò 84.500 con, đàn heo 165.000 con. Tổng sản phẩm chăn nuôi đạt 35.000 tấn. Toàn tỉnh có 142 cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín. Nuôi trồng thủy sản phát triển với 844ha (trong đó, diện tích nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao khoảng 40ha), sản lượng đạt khoảng 8.353 tấn. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản từng bước chuyển mình, hiện toàn tỉnh có 29 cơ sở chế biến quy mô vừa.
Với đặc điểm là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế về lâm nghiệp với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 780.514,14ha, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp tỉnh. Trong hơn 30 năm qua, với việc triển khai thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước về tạo sinh kế việc làm cho người dân sống gần rừng, tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi từ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao, ổn định và cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Trong những năm qua, toàn tỉnh trồng mới được hơn 11.839,05ha rừng trồng tập trung và gần 2,1 triệu cây phân tán góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọt gắn với phát triển kinh tế rừng. Hiện nay, cả tỉnh đã thực hiện giao đất, giao rừng được 87.712,39ha cho 5.799 hộ gia đình và 114 cộng đồng quản lý, bảo vệ.
Nhằm hỗ trợ người dân, nhất là người dân ở vùng đồng bào DTTS cải thiện sinh kế và tăng nguồn thu nhập, từ lúc tái thành lập tỉnh đến nay, công tác khuyến nông, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp luôn được các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện và gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Các mô hình hỗ trợ, hướng dẫn trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực, cây dược liệu, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản đã tạo hướng đi mới sản xuất nông nghiệp cho từng vùng, địa phương, thúc đẩy người dân học hỏi, thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
Tỉnh ta được thành lập lại vào năm 1991, nhưng đến năm 1996 tỉnh mới được phân cấp quản lý các công trình thủy lợi với 381 công trình. Từ đó đến nay, bằng nhiều nguồn lực của Nhà nước và xã hội, số lượng công trình thủy lợi của tỉnh đã tăng lên 602 công trình. Hằng năm, công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng, vận hành được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất các mùa vụ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 18.000ha cho người dân.
Người dân xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) nuôi hươu sao để bán con giống và lấy nhung. Ảnh: ĐT
Công tác phát triển nông thôn được các cấp chính quyền địa phương và toàn ngành Nông nghiệp chú trọng thực hiện. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) hay các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được triển khai hiệu quả, góp phần đưa diện mạo các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, quy mô phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng lên. Toàn tỉnh, hiện có 41 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó, có 36 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), 157 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, 1 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 165 hợp tác xã nông nghiệp, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%…
Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Kon Tum với đặc điểm là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, điều kiện kinh tế- xã hội có điểm xuất phát thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và hạn hán, thiên tai, dịch bệnh hay xảy ra, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực của người dân, từ thời điểm thành lập lại tỉnh đến nay, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Định hướng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đặt mục tiêu, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 19-20% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm.
Đến năm 2025, phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 5 vùng nông nghiệp, 7 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, xây dựng ít nhất 10 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia, có ít nhất 4 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có ít nhất 60 xã (70,5% số xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Đến năm 2030, toàn ngành quyết tâm đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 25-30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có 10 vùng nông nghiệp, 15 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao, 10 cơ sở chế biến sâu có sức cạnh tranh cao. Ngành kinh tế nông nghiệp hàng hóa của tỉnh có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.