Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và UAE
Hiện nay, tiềm năng hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và UAE vẫn còn nhiều dư địa để khai thác trong tương lai.
Mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có cuộc trao đổi và làm việc với Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Việt Nam, ông Bader Almatrooshi về việc nâng cao hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Theo Đại sứ UAE, mối quan hệ giữa Việt Nam và UAE đang ngày càng phát triển. UAE là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông-châu Phi, nhất là về thương mại. UAE cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Hiện nay, Đại sứ UAE nhận định, hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng hơn nữa để đưa việc hợp tác đi vào chiều sâu. Được coi là trung tâm tài chính, thương mại lớn trên thế giới, UAE mong muốn được phối hợp chặt chẽ hơn nữa với VCCI trong việc thúc đẩy đưa các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu, trong đó có thị trường Trung Đông và Bắc Phi.
Do đó, việc thành lập Hội đồng Doanh nghiệp giữa UAE và Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, cũng như vì lợi ích và lợi ích của cả hai bên, tiến tới mục tiêu đa dạng hóa mối quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, Đại sứ cũng bày tỏ sự quan tâm trong hợp tác về lĩnh vực IT giữa hai nước mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về một số ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam như: chế biến nông sản, dệt may da giầy…
Đại sứ UAE cũng đề nghị VCCI tăng cường phối hợp để xây dựng các Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận, và tổ chức các sự kiện giao lưu gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Lắng nghe những đề xuất của Đại sứ UAE, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhận định, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu doanh nghiệp, tăng cường phổ biến thông tin về các hội chợ, triển lãm tại mỗi nước, thu hút sự quan tâm tham dự của doanh nghiệp hai nước.
Theo Chủ tịch VCCI, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, UAE là cửa ngõ của khu vực Trung Đông – Bắc Phi, do đó việc tiếp cận thị trường UAE cũng chính là tiếp cận với toàn bộ thị trường tiềm năng này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng thông tin tới Đại sứ về tiềm năng đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dành cho các doanh nghiệp UAE khi Việt Nam đang là trung tâm trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chủ tịch VCCI đánh giá, đầu tư về bất động sản cũng là lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với thế mạnh của các doanh nghiệp UAE.
Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm tốt và phù hợp với thị trường UAE. Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI đề nghị phía UAE hỗ trợ, thông qua VCCI phổ biến thông tin và hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm về cách thức đáp ứng tiêu chuẩn Halal cho thị trường UAE nói riêng và các nước Trung Đông nói chung, đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam.
Về thương mại, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 5 tỷ USD trong năm 2021 và trên 8 tỷ USD trong năm 2022, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn đối với thị trường này (trên 90%), các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng nông sản, dệt may, da giầy, v.v… Việt Nam cũng nhập khẩu từ UAE một số mặt hàng như: chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng, kim loại, v.v…
Bên cạnh đó, UAE cũng là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông trong lĩnh vực hợp tác đầu tư và lao động.