[KonTum] Cơ hội kết nối giao thương và xúc tiến thương mại
Không chỉ là điểm tham quan mua sắm lý tưởng dịp cuối năm, Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP- Kon Tum 2022 còn là hoạt động khuyến công có ý nghĩa quan trọng, cơ hội để kết nối giao thương, hợp tác kinh tế- thương mại.
Diễn ra từ ngày 18-25/12, tại Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum), Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP- Kon Tum là một trong những hoạt động hướng tới Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/2013 – 9/2/2023) được UBND tỉnh tổ chức và Bộ Công thương hỗ trợ kinh phí. Hội chợ này đã quy tụ hơn 100 doanh nghiệp với trên 230 gian hàng với nhiều loại hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng cao của các địa phương trong tỉnh ta và 22 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, tham gia Hội chợ còn có một số doanh nghiệp đến từ tỉnh SaLaVan, tỉnh Attapư (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) với những mặt hàng đặc trưng như đồ gỗ, đá mỹ nghệ; ẩm thực. Vì thế, ngay từ ngày khai mạc, Hội chợ đã thu hút được người dân trên địa bàn và du khách đến tham quan, mua sắm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch của tỉnh. Ảnh: T.H
Ấn tượng nhất tại Hội chợ lần này là, các doanh nghiệp, đơn vị xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành trong nước đã mang đến nhiều mặt hàng OCOP, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền. Với các doanh nghiệp, đơn vị bán hàng này, Hội chợ là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Ông Dương Minh Tú- đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Khi nhận được thư mời tham gia Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP- Kon Tum, chúng tôi tiến hành lựa chọn những sản phẩm OCOP đặc trưng của Quảng Ngãi như cá bống Sông Trà, tỏi Lý Sơn, mạch nha… để mang đến giới thiệu, chào bán. Chúng tôi biết rằng, ở Kon Tum có nhiều người dân quê gốc ở Quảng Ngãi, nên ngoài sự quảng bá sản phẩm địa phương ra bên ngoài, chúng tôi còn mang các loại sản phẩm của quê hương đến Hội chợ này như một như một sự gợi nhớ, một chút tình quê gửi đến những người con xa quê. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn, sau Hội chợ này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ quan tâm, tìm hiểu và ký kết những hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa với các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi để người dân dễ dàng mua được những mặt hàng đặc sản.
Các doanh nghiệp trong tỉnh mang đến Hội chợ nhiều mặt hàng đặc sản. Ảnh: T.H
Riêng tỉnh ta, có trên 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đã tham gia với hơn 150 sản phẩm OCOP các loại và nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn như: Cà phê Sáu Nhung, cá cơm Sê San, măng khô Tu Mơ Rông, rượu sim Măng Đen, mắc ca. Ngoài ra, còn có gian hàng của các huyện, thành phố và các sở Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ tham gia để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, du lịch, thành tựu kinh tế văn hóa-xã hội để thu hút đầu tư.
Bên cạnh các mặt hàng OCOP, hàng thủ công mỹ nghệ, tại Hội chợ, một số công ty điện tử, dịch vụ viễn thông cũng đã trưng bày và giới thiệu tới người tiêu dùng những thiết bị, công nghệ mới với nhiều ưu đãi, khuyến mãi.
Các gian hàng đặc sản của các tỉnh, thành được nhiều người dân quan tâm. Ảnh: TH
Sự đa dạng về hàng hóa tham gia Hội chợ đã mang đến cơ hội mua sắm, thu hút và đáp ứng được nhu cầu hàng Việt Nam chất lượng cao của người dân Kon Tum; nhất là mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp đến.
Chị Nguyễn Thị Minh (Tổ 7, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: Hội chợ được trang trí đẹp, hàng hóa được bày trí “bắt mắt”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, với sự góp mặt của nhiều mặt hàng đặc sản đã giúp người dân chúng tôi có cơ hội, điều kiện để mua và thưởng thức những món ăn, thức uống ngon của các nơi và để dành đãi khách trong dịp Tết.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội bị ngưng trệ, Hội chợ lần này cũng là dịp để người dân được vui chơi, thưởng thức văn nghệ.
Gian hàng ẩm thực của doanh nghiệp Lào cũng thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân. Ảnh: TH
Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Hội chợ là “điểm hẹn” mua sắm, cơ hội để các doanh nghiệp trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung- Tây nguyên giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu; gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tìm hiểu thị trường, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Đây cũng là dịp các tỉnh, thành phố trong và ngoài tỉnh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế-văn hóa, xã hội; gắn kết xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế – thương mại và phát triển.
Có thể nói, Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP- Kon Tum 2022 thực sự góp phần “tạo sân chơi” và là cầu nối gắn kết các doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời, thúc đẩy đưa sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các loại hàng tiêu dùng chất lượng đến với đông đảo khách hàng trên địa bàn tỉnh.