Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu không chỉ là dòng vốn mà còn là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sáng 19/12, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch chuyển dòng vốn toàn cầu đã được lựa chọn là chủ đề cho diễn đàn năm nay trong bối cảnh xu hướng đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc do chịu ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn.
Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia; trong đó, các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các startups và các nhà đầu tư.
“Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu không chỉ là dòng vốn mà chính là dòng chảy của tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính tri thức, công nghệ trong các sản phẩm, dịch vụ được tạo nên từ quá trình đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo giá trị cho hoạt động đầu tư tài chính”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Vietnam Venture Summit 2022 (Ảnh: Tuấn Anh)
Theo ông Dũng, hiện Việt Nam có 20 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân được thành lập theo với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ đã tạo ra tiền đề cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bước đầu thiết lập được hệ thống các đơn vị hỗ trợ, ươm tạo từ viện, trường, đến doanh nghiệp, các mạng lưới tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên ông Dũng cho rằng ngoài việc phát triển các chủ thể hệ sinh thái, cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn một cách chủ động, linh hoạt và minh bạch.
“Tam giác vàng” khởi nghiệp Việt Nam – Singapore – Indonesia
Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III/2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý III/2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý II/2022.
Mặc dù tổng giá trị đầu tư giảm sút, nhưng thị trường Đông Nam Á vẫn được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: Tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; Quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; Mức độ phủ internet sâu rộng…
Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures đánh giá “Tam giác vàng khởi nghiệp” Việt Nam – Singapore – Indonesia đang trỗi dậy và trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Golden Gate Ventures cho rằng trong tam giác này, Singapore đóng vai trò quan trọng như một “thị trường kết nối” ở Đông Nam Á, chịu trách nhiệm tiên phong và lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Còn với lợi thế là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, Indonesia mang đến một thị trường tiêu dùng khổng lồ đang phát triển trên nền tảng di động và có hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là trong phân khúc thương mại điện tử.
Trong khi đó, Việt Nam đã và đang tham gia “Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á” bằng cách mang tới một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục.
“Khi kết hợp các yếu tố này với nhau đã giải thích được tại sao ngày càng có nhiều nhà đầu tư toàn cầu đặt cược lớn vào Đông Nam Á”, ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures nhận định tại Vietnam Venture Summit 2022.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019.
Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.