Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại tọa đàm Việt Nam – Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững, nhân tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, Thụy Sĩ, ngày 17/1.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh khó khăn, năm 2023 Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi trong kiểm soát và dưới ngưỡng trần Quốc hội cho phép. Chính sách được đảm bảo thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
“Thế giới có chao đảo, chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất”, Thủ tướng nói.
Theo ông, sự cân bằng này không giữ được, cấu trúc hợp tác sẽ đổ vỡ, không thể bảo đảm hợp tác bền vững, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm “Việt Nam – Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững”, tại Davos (Thụy Sĩ), ngày 17/1. Ảnh: Nhật Bắc
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra môi trường đầu tư an toàn, bền vững khi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực, toàn cầu. “Chắc chắn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Tổng giám đốc VinaCapital nhận xét.
Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao là các yếu tố, theo các nhà đầu tư “hút” họ đến Việt Nam. Giám đốc điều hành Baracoda Group (Pháp) Thomas Serva nói doanh nghiệp này muốn tham gia xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức và Tổng giám đốc VinaCapital Don Lam tại tọa đàm ngày 17/1. Ảnh: Nhật Bắc
Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế nhưng độ mở lớn. “Một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, do đó nền kinh tế cần có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết”, Thủ tướng nói.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, gồm hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện thể chế. Cùng đó, Việt Nam sẽ có chính sách ưu tiên với các lĩnh vực, như chuyển đổi số, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Ông nhắc lại quan điểm Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Con người được xác định là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong các chính sách của Việt Nam, theo Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 16 đến 18/1. WEF thường thu hút sự tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. Tổ chức này thường mời Việt Nam tham dự các hội nghị thường niên tại Davos và các hội nghị của WEF về Đông Á.