Việt Nam coi đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng – nền tảng hút “vốn ngoại”

Sau con số kỷ lục hơn 1,4 tỷ USD chảy vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021, các chuyên gia dự báo, Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế khi là một trong ba trụ cột Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á.

“Quan tâm và coi đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của chiến lược tăng trưởng”- chính là ưu điểm, lợi thế thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế biến động khó lường, nền kinh tế có tới 97% là doanh nghiệp diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa, từ bên trong, Việt Nam cần nhận diện và thúc đẩy những động lực của đổi mới sáng tạo cũng như tìm kiếm các giải pháp để đổi mới sáng tạo Việt Nam thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Sau con số kỷ lục hơn 1,4 tỷ USD chảy vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021, các chuyên gia dự báo “Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế khi là một trong ba trụ cột Tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á. Đó là một lợi thế, cho phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup cũng đang ở giai đoạn khó khăn do lạm phát tăng cao, xung đột ở Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục bao phủ kinh tế thế giới và khiến nhà đầu tư lo ngại. Dường như đây chưa phải là khoảng thời gian thuận lợi để thành lập công ty hoặc đầu tư vào các startup giai đoạn đầu. Các nhà đầu tư vẫn chủ yếu quan tâm đến Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, lực lượng dân số trẻ tay nghề cao và thị trường dịch vụ khổng lồ đã và đang dần được công nghệ hóa.

Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhìn nhận thực tế: “Từ tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường, tín hiệu để cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp rất yếu vì họ đã và đang thấm mệt trong khoảng 3 đến 4 năm qua. Cố gắng gượng dậy nhưng lại gượng bật dậy trong một thời kỳ kinh tế thế giới giảm sút mạnh. Sẽ rất khó có những khởi sắc trong cộng đồng doanh nghiệp, nên động lực rất cần từ chính sách cơ chế”.

Ảnh minh họa: KT

Ở góc độ startup, nhiều quan điểm cho rằng, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục giải ngân vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhờ vào niềm tin dài hạn và các cơ hội đột phá có thể được tạo ra trong giai đoạn kinh tế khó khăn hay khủng hoảng.

Một số nhà đầu tư có thể tập trung vào các ngành mới nổi và khuyến khích các công ty khởi nghiệp luôn tâm thế vững vàng trước những biến động có tính toàn cầu như hiện tại. Các startup có thể coi giai đoạn này như một thử thách để củng cố nền tảng của công ty: quan tâm quản lý tài chính hiệu quả hơn; xác định lại sứ mệnh; kiểm tra lại mô hình, doanh thu, tối ưu hóa hoạt động; Kiểm tra cấu trúc chi phí; Lên kế hoạch huy động vốn…Cùng với đó, phải luôn duy trì được niềm lạc quan, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các sáng kiến, các ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Ông Bùi Tiến Dũng – Đại diện Công ty Cổ phần BanKon, doanh nghiệp khởi nghiệp có giải pháp “Bankon – tối ưu hóa năng lượng và máy điều hoà không khí” khẳng định: “Người ta có con số thống kê là 90% startup thất bại trong khoảng 3-5 năm đầu tiên. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Ở Toyota có 1 khái niệm trong sản xuất mà nhiều người đang cố gắng noi theo đó là Kaizen – cải tiến liên tục. Điều quan trọng với họ là làm sao có càng nhiều ý tưởng càng tốt. Đó là lí do cộng đồng startup noi theo, chấp nhận thất bại, cạnh tranh”.

“Chúng tôi có một khát khao đổi mới sáng tạo, khát khao cải tiến công nghệ. Điều còn thiếu là cộng đồng hỗ trợ. Chúng tôi hy vọng các tập đoàn lớn như VNPT, FPT chào đón chúng tôi không như những giải pháp non trẻ mà đồng hành như những đơn vị mang tới giải pháp, bởi giải pháp này đã không đến từ chính đơn vị đang làm nhiệm vụ đó mà từ các đơn vị đứng ngoài với cái nhìn mới mẻ, sáng tạo hơn. Hy vọng sẽ đồng hành cùng các startup như chúng tôi” – ông Dũng chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương – Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng cao diễn ra trong nhiều năm, Việt Nam được nhìn nhận là một trong những nền kinh tế năng động trên thế giới. Sức hút của Việt Nam còn nổi bật ở chỗ lãnh đạo Chính phủ luôn khẳng định quyết tâm coi đổi mới sáng tạo là một trong những trọng tâm của chiến lược tăng trưởng. Điều này là động lực cho các nhà đầu tư quốc tế dốc vốn vào Việt Nam.

“Chúng ta đang có rất nhiều bài toán lớn – nhiều khó khăn và những khó khăn đấy cần sự tư duy sáng tạo, cần những giải pháp công nghệ sáng tạo. Mong muốn tìm ra những công nghệ tạo ra sự phát triển đột phát. Đầu tiên phải là khối chính sách. Thứ 2, bản thân những nhà đổi mới sáng tạo là chủ các doanh phải có mong muốn đi lên và tìm cách kết nối với các chủ thể khác cả trong nước và ở nước ngoài” – GS.TS Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.

Trên thực tế, hiểu rõ, Việt Nam có rất nhiều bài toán cần giải quyết, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ, tiêu biểu là: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ cho hơn 100.000 doanh nghiệp Việt Nam các công cụ, giải pháp chuyển đổi số; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo, phát triển nhân tài; xây dựng và phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam… Đó là kết quả hết sức tích cực, thể hiện sự quan tâm của cơ quan chức năng cùng cộng đồng doanh nghiệp đối với những vấn đề, thách thức lớn của xã hội, nhưng vẫn cần nỗ lực thúc đẩy nguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt nhiều hơn nữa.

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Việt Nam đang có chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy nguồn lực của con người Việt Nam. Để đổi mới sáng tạo đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa thì ngoài sự chỉ đạo, định hướng từ Đảng, Nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, sự tham gia của các doanh nghiệp, thì rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội”.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, phức tạp khó lường, muốn tạo đà cho tăng trưởng, phát triển và phát triển bền vững, bên cạnh nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô cùng các cân đối lớn của nền kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục coi đổi mới sáng tạo là trọng tâm tăng trưởng; quan tâm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Từng người dân, doanh nghiệp cần nhận thức vai trò – trách nhiệm của bản thân với kinh tế nước nhà để ngày càng có nhiều ý tưởng – sáng kiến sáng tạo, không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), giải quyết các vấn đề trong nước, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Theo Trang VOV.VN