VCCI tiên phong thúc đẩy phát triển bền vững

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam khẳng định: VCCI đã tiên phong thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi kinh doanh bền vững.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh: Với tâm thế của đơn vị “đi trước, mở đường” không theo lối mòn, trong gần 20 năm qua, VCCI đã tạo nên dấu ấn của một “người tiên phong” trong thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp theo đuổi kinh doanh bền vững.

– Xây dựng cộng đồng doanh nghiệp PTBV là định hướng và tôn chỉ hoạt động đã được VCCI theo đuổi từ rất sớm, đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như thế nào về các kết quả đã đạt được?

Năm 2006, VCCI ra quyết định thành lập Văn phòng doanh nghiệp vì sự PTBV (SDforB), đến tháng 12/2010, Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) ra đời, sau hơn 3 năm chuẩn bị, lấy ý kiến tham vấn và xin phép các cơ quan bộ ngành Trung ương.

Thực tế cho thấy, trong gần 20 năm qua, VCCI đã phối hợp hiệu quả với các ban, bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức phát triển quốc tế (United Nations, WBCSD, World Bank,….), các hiệp hội doanh nghiệp triển khai các chương trình PTBV cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua các dự án/chương trình có ý nghĩa về trách nhiệm xã hội; cải thiện điều kiện lao động, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, giảm nghèo thông qua trợ giúp tổng thể phát triển doanh nghiệp nhỏ, phòng thống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp với những kết quả nổi bật.

Ngay từ năm 2005, VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động, Action Aid Việt Nam tổ chức Giải thưởng Trách nhiệm Xã hội (CSR Award), đây chính là tiền thân của Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI 100).

Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022 do VCCI và VBCSD tổ chức

Các hoạt động kiến nghị chính sách, đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, đặc biệt là sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) tổ chức thường niên từ năm 2014, đã góp phần không nhỏ vào sự ra đời của những chính sách bản lề trong phát triển bền vững doanh nghiệp.

Tiêu biểu như: Chỉ thị PTBV đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/05/2019; Quyết định 1362/2019 của Thủ tướng phê duyệt kế hoạch PTBV khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. VCCI mà nòng cốt là các thành viên của VBCSD cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ TN&MT tham mưu xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh các giai đoạn 2012 – 2020, 2020 – 2025, tầm nhìn 2030.

Cùng với đó, VCCI đã dày công nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và ra mắt vào năm 2016. Đây là bộ chỉ số đầu tiên về PTBV dành cho doanh nghiệp. CSI đã cung cấp cho các doanh nghiệp một công cụ quản trị khoa học, có hệ thống và cụ thể hóa lộ trình thực hiện PTBV.

– Theo ông, đâu là trở ngại, thách thức lớn nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình PTBV?

Sau 3 năm thế giới “chao đảo” vì đại dịch Covid-19, thì năm 2023 và 2024 được đánh giá là khoảng thời gian cộng đồng doanh nghiệp bị thử thách khốc liệt hơn nữa, thách thức tính chống chịu và khả năng thích ứng, phục hồi của doanh nghiệp. Đây là lúc mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đứng trước “ngã rẽ” của lựa chọn “vị lợi nhuận” hay PTBV. Do đó, một lần nữa, ttư duy kinh doanh chính là thách thức đầu tiên mà cộng đồng doanh nghiệp cần vượt qua.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức khác như: khung khổ pháp lý chưa thực sự theo kịp nhu cầu phát triển, chưa đồng bộ, toàn diện để doanh nghiệp PTBV; doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là tín dụng xanh; và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.

– Trong bối cảnh hiện nay, theo ông chiến lược PTBV của doanh nghiệp cần phải xây dựng dựa trên các trụ cột nào?

PTBV ngày nay không chỉ là tấm hộ chiếu để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong việc thâm nhập các thị trường mới, kêu gọi đầu tư, mà còn là xương sống để xây dựng nguồn lực, sức khỏe nội tại của doanh nghiệp.

Phát triển doanh nghiệp cần hài hòa, cân đối giữa các trụ cột: Môi trường, Xã hội, và Quản trị (ESG). Đây là chiếc kiềng ba chân nhằm phát huy và đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với doanh nghiệp về nhiều mặt, không chỉ đảm nhiệm là động lực phát triển kinh tế mà còn ở việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…

Với sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập, VCCI tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có trong việc tiếp cận doanh nghiệp, kết hợp với các mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kiến nghị, xây dựng pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi triển khai các sáng kiến, mô hình kinh doanh bền vững. Đặc biệt, VCCI chú trọng kiến nghị hoàn thiện thể chế thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

  • Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp