VCCI luôn là người bạn đồng hành với doanh nghiệp
Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành tại Hội nghị Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên chiều ngày 10/4. Theo thông tin, tình hình kinh tế năm 2023 của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất ổn nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng 5,05% so với năm trước. Phó Chủ tịch VCCI cho hay Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát. Bình quân năm 2023 CPI tăng 3,25% so với năm 2022 và đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra, lạm phát cơ bản tăng 4,16%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam sụt giảm lần đầu tiên trong 10 năm qua, khi chỉ đạt 683 tỷ USD, xuất siêu hàng hoá 28 tỷ USD.
“Những điểm sáng và dấu ấn đậm nét của bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 ghi nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực doanh nghiệp. Trong khó khăn bủa vây, cộng đồng doanh nhân vẫn “chăm chỉ” kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới kỷ lục 159.294 doanh nghiệp, tạo ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Cùng với đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 58.412 nghìn, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, tình hình doanh nghiệp trong năm qua vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, nhiều ngành hàng suy giảm chưa có dấu hiệu phục hồi.
Là năm thứ 2 triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, trước bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, VCCI đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nổi bật và để lại dấu ấn trong năm 2023. Cụ thể, VCCI đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, chủ trì triển khai nhiều nội dung quan trọng trong khuôn khổ Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tham mưu xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 09.
Theo đó, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới là sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt đối với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với vai trò và dấu ấn nổi bật của VCCI. Cùng với đó, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với 406 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, công bố Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Xếp hạng Chỉ số Xanh (PGI) lần thứ nhất, Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt. Nam 2023,…
“VCCI đã triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch, trong đó, nổi bật có Đề án “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”, Đề án “Hợp tác xây dựng môi trường truyền thông báo chí thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. Năm 2023, VCCI lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam với quy mô toàn quốc và dự kiến sẽ trở thành hoạt động thường niên nhằm tăng cường, thúc đẩy sự liên kết trong toàn hệ thống các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, VCCI ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam quy tụ các doanh nghiệp có quy mô, uy tín, tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch VCCI nói thêm.
Ngoài những hoạt động trên, VCCI cũng đã tham gia hoạt động đối ngoại kinh tế, tham mưu về nội dung, chương trình và tháp tùng Chủ tịch nước tham dự các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp tại Tuần lễ cấp cao APEC tại Hoa Kỳ, hoạt động ASEAN BAC… và các sự kiện doanh nghiệp khác bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 tại Indonesia; tham gia kỳ họp thường niên của Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển bền vững toàn cầu năm 2023; Dự báo kinh tế Việt Nam và định hướng hoạt động của VCCI năm 2024.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy nền kinh tế – xã hội đã có nhiều dấu hiệu tích cực như Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,77%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,18%; khách quốc tế tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD…, Theo Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng … tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn sẽ khó khăn trong 2 quý đầu năm 2024 và khởi sắc vào 6 tháng cuối năm.
Phó Chủ tịch VCCI cho rằng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ giúp kích cầu tiêu dùng trong nước.
Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch… Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định. Lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng trong nước.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho hay VCCI sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động liên kết vùng tập trung vào 2 vùng chính là vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung và khu vực Tây Nguyên, thúc đẩy liên kết Hiệp hội, doanh nghiệp góp phần cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tốt vai trò là cơ quan đại diện, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền địa phương và các Hiệp hội sẽ là “cánh tay nối dài” của VCCI trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI sẽ duy trì tổ chức Hội nghị giao ban các hiệp hội doanh nghiệp theo khu vực và Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân năm 2024.
Bên cạnh đó, VCCI tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy cung – cầu, giảm áp lực lạm phát. VCCI sẽ tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đồng thời, VCCI sẽ tăng cường triển khai các hoạt động liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), phát triển các công cụ hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể số hóa hoạt động quản trị, khuyến khích chuyển đổi mô hình kinh doanh sang doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, các hoạt động trong khuôn khổ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ được chú trọng, tích cực triển khai.
“Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã luôn là người bạn đồng hành, lắng nghe, tập hợp ý kiến, từ đó thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý chính sách về các vấn đề hội nhập, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.