[Thừa Thiên Huế] Thu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghệ thông tin
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp không những khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mà còn phải nhanh nhạy trong phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) cao, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo. Đó cũng là vấn đề được thảo luận, chia sẻ tại diễn đàn “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trong lĩnh vực CNTT” do Sở KH&CN tổ chức vào chiều 13/3.
Tham dự diễn đàn, có ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN; bà Nguyễn Thị Ái Vân, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, startup trong lĩnh vực CNTT…
Hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh được đầu tư hoàn thiện |
Nền tảng phát triển công nghệ thông tin
Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, thời gian qua, hoạt động thúc đẩy đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành CNTT Thừa Thiên Huế đã có nhiều bước phát triển rõ nét. Bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CNTT, công nghệ số, dịch vụ đô thị thông minh, còn phải kể đến hạ tầng, hệ thống CNTT được đầu tư, phát triển. Trong đó có khu CNTT tập trung, khu công nghiệp phần mềm, trung tâm CNTT, hạ tầng lưu trữ, dữ liệu, hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao, hạ tầng công nghệ số… và nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao từ hệ thống các trường, viện, đội ngũ cán bộ trong ngành CNTT…
Thừa Thiên Huế luôn chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông đã đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hạ tầng CNTT trong cơ quan Nhà nước được đầu tư đồng bộ. Trung tâm dữ liệu được đầu tư để triển khai các hệ thống phục vụ chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân…
Hạ tầng kết nối từ tỉnh đến Chính phủ, các hệ thống quốc gia đã được thiết lập và vận hành hiệu quả. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện nền tảng phát triển và tích hợp Chính quyền điện tử, như: Nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP) đã kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP).
Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính công |
Từ năm 2005, Thừa Thiên Huế luôn là địa phương trong top dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và triển khai dịch vụ công trực tuyến hiện đại. Tỉnh còn được cả nước biết đến về một địa phương đi đầu trong chuyển đổi số và mô hình dịch vụ đô thị thông minh. Hai năm liên tiếp đứng thứ 2 toàn quốc về Chỉ số Chuyển đổi số (năm 2022 là thứ 4). Thừa Thiên Huế cũng là địa phương được đánh giá cao về hoạt động KNĐMST. Năm 2021, tỉnh vinh dự là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được VCCI vinh danh danh hiệu Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái KNĐMST và năm 2022 vinh dự đạt được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn KNĐMST” do VINASA tổ chức.
Tạo môi trường đầu tư và khởi nghiệp
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành CNTT, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ đô thị thông minh, nhưng Thừa Thiên Huế đang cần thu hút thêm những “con sếu” đầu đàn, những nhà đầu tư để khai phá được những tiềm lực CNTT, tạo ra được sản phẩm thương mại hóa. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN cho rằng, tỉnh cần tận dụng các nguồn lực, điểm sáng hiện có và đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp với Hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia, thu hút nguồn lực không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn thu hút cả nguồn lực ở ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế, đưa hệ sinh thái KNĐMST trở thành hệ sinh thái mở, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN chia sẻ nhiều vấn đề thúc đẩy KNĐMST mở |
Để làm được điều này, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ứng dụng KH&CN, CNTT và các chính sách đãi ngộ, thu hút các cán bộ giỏi, chuyên gia, nhà khoa học hiến kế các giải pháp công nghệ phát triển cho tỉnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực CNTT, trong đó ưu tiên chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, như: y tế, giáo dục, du lịch, văn hoá… Tổ chức các chương trình, hoạt động phát triển hệ sinh thái KNĐMST thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, đánh giá những tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển ngành CNTT, kết nối các startup và các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm xác định “bài toán” đặt hàng của chính quyền trong lĩnh vực CNTT để kêu gọi các nguồn lực đầu tư.
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh hiến kế, thứ nhất, thị trường địa phương (cụ thể là tại Thừa Thiên Huế) là môi trường quan trọng để các startup tự tin thử nghiệm và phát triển, do đó phải “mở” thị trường này, kết hợp với thị trường ngoài… Thứ hai, lĩnh vực công cần đẩy mạnh “mua” sản phẩm của starup mới thực sự tạo sự thúc đẩy cho mảng CNTT, tạo môi trường “bình đẳng” giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp. Thứ ba, “nguồn lực con người” là yếu tố then chốt trong bối cảnh phát triển lĩnh vực CNTT, nên việc đưa CNTT vào đào tạo cũng là một xu hướng quan trọng để phát triển “Cộng đồng Công nghệ”.
Diễn đàn cũng là dịp kêu gọi các nhà đầu tư, Trưởng làng Công nghệ, các startup đến cung cấp các giải pháp để giải quyết các nhu cầu đặt ra của lĩnh vực CNTT; lựa chọn các ý tưởng, dự án KNĐMST tiềm năng, hỗ trợ hoàn thiện các dự án có mô hình kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội địa phương.