[Thừa Thiên Huế] Nâng tầm sản phẩm địa phương, tăng cơ hội xúc tiến thương mại

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp (DN) Thái Lan ở quy mô lớn, những hoạt động xúc tiến xúc thương mại quy mô nhỏ với một vài đối tác cũng góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho những hợp đồng thương mại lâu dài.

 Sản phẩm địa phương phải được đầu tư mẫu mã, bao bì

Phát huy mối quan hệ đối tác

Thái Lan là một trong những thị trường xúc tiến đầu tư thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, các DN Thái Lan hiện đang thực hiện 12 dự án trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký 116 triệu USD. Các DN này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản (Công ty cổ phần CP Việt Nam); Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II; Nhà máy sản xuất men Frit; Nhà máy chế biến gỗ dăm và vườn ươm cây lâm nghiệp của Công ty Chaiyo AA Việt Nam…

Các dự án này đang đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ngoài hoạt động đầu tư, các DN phân phối của Thái Lan cũng tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo thuận lợi đưa các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP thế mạnh của Thừa Thiên Huế vào thị trường bán lẻ Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ DN (Trung tâm) khẳng định, thúc đẩy DN tham gia vào hệ thống phân phối nói chung và hệ thống các nhà phân phối Thái Lan là một trong những nỗ lực mà Trung tâm đang theo đuổi nhằm thực hiện mục tiêu xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN, qua đó góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu địa phương gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư. Để thực hiện tốt hoạt động này, Trung tâm chú trọng hỗ trợ DN trang bị các kiến thức, kỹ năng liên quan, chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng nhằm đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu; kết nối với những DN có tiềm năng làm đầu mối trong xúc tiến thương mại sang Thái Lan.

Chương trình gặp gỡ và kết nối giao thương giữa nhà phân phối trái cây và đồ ăn nhẹ cao cấp từ Thái Lan là Công ty TNHH For More và các DN địa phương được Trung tâm phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức mới đây là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy các DN trên địa bàn tham gia vào các hệ thống cung ứng của Thái Lan.

Theo đó, Công ty TNHH For More đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Đặc sản Kinh Đô về thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản sang thị trường Thái Lan. Đồng thời, nhà phân phối này cũng lựa chọn thêm 11 sản phẩm của 11 đơn vị, DN khác tham gia vòng tuyển chọn lần 2 trước khi ký kết hợp tác liên quan.

GS.TS Thapana Boonla (bên phải) chia sẻ các điều kiện nhập khẩu hàng hóa vào Thái Lan

DN phải trang bị các kỹ năng xúc tiến thương mại

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hoạt động xúc tiến thương mại quy mô nhỏ với từng nhà phân phối có những ưu thế nhất định. Ngoài tiết giảm các chi phí liên quan, hoạt động này còn giúp cho các đối tác biết đến các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Huế nhiều hơn. Từ đó, họ sẽ có thêm cơ hội lựa chọn các sản phẩm phù hợp để đưa vào chuỗi cung ứng của mình. Thông qua hoạt động này, nhà phân phối cũng sẽ có những đề xuất cụ thể cho từng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí hàng hóa mà đơn vị mong muốn, cũng như thỏa mãn các điều kiện nhập khẩu vào Thái Lan.

Trong khuôn khổ hoạt động vừa nêu, GS.TS Thapana Boonla, Cố vấn thương mại của Chính phủ Thái Lan cho rằng, DN Huế có rất nhiều sản phẩm chất lượng mang tính đặc trưng. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại thiếu một số chứng nhận liên quan để có thể xuất khẩu sang Thái Lan và mẫu mã sản phẩm cũng chưa đa dạng. Do vậy, các DN cần liên kết với nhau hoặc có thể ký kết với một DN có nguồn lực, kinh nghiệm trong xuất khẩu hàng hóa để nhận được các tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục liên quan để có thể tiếp cận thị trường Thái Lan.

Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến thương mại, Giám đốc Công ty Đặc sản Kinh Đô – bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng, muốn hàng hóa tham gia được vào các hệ thống bán lẻ hiện đại, các nhà phân phối lớn, DN địa phương phải kiểm soát về chất lượng, đầu tư hơn vào mẫu mã bao bì sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp để bắt kịp sự thay đổi của thị trường và tạo hiệu ứng cho người tiêu dùng. Đồng thời, trước khi ký kết các hợp đồng hợp tác, DN phải rà soát xây dựng vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng hàng hóa đồng đều, các giấy tờ thủ tục cũng cần được chuẩn bị đầy đủ nhằm hạn chế những rủi ro liên quan.

Bà Nguyễn Thị Huệ đánh giá, dù hoạt động xúc tiến thương mại với DN Thái Lan vừa qua quy mô chưa lớn, song có ý nghĩa rất quan trọng trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm của DN Huế đến các nhà phân phối. Công ty Đặc sản Kinh Đô sẽ triển khai các bước tiếp theo để đưa sản phẩm của đơn vị tiến sâu vào thị trường Thái Lan. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các DN có khó khăn trong tiếp cận thị trường này và làm đầu mối để kết nối hỗ trợ các DN Huế tham gia vào chuỗi cung ứng của Thái Lan.

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo cũng khẳng định, để đồng hành hỗ trợ DN địa phương tham gia vào các chuỗi cung ứng Thái Lan và các quốc gia khác, Trung tâm sẽ tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, hộ kinh doanh tham gia các lớp tập huấn trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết, kết nối với các đơn vị đã xuất khẩu thành công hàng hóa đi Thái Lan và các nước để chia sẻ kinh nghiệm cho DN trên địa bàn, nhằm đảm bảo trang bị đủ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm giúp DN sẵn sàng “vươn ra biển lớn”.

Theo Báo Thừa Thiên Huế