Tăng cường hợp tác doanh nghiệp Việt – Trung thông qua RCEP
Thông qua các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực có giá trị cao.
Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 60 tỷ USD.
Về đầu tư, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá. Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam. Tính đến tháng 3 năm nay, Trung Quốc có trên 4.400 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội nghị kết nối cơ hội kinh doanh Việt Nam – Trung Quốc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia ký kết Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) – 1 FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới mang lại nhiều kỳ vọng trở thành xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp hai nước.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, đồng thời ưu tiên vào các lĩnh vực như: đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động, Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp hai nước không chỉ phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi mà còn phải tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới cũng như tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Với việc đặt mục tiêu đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có thu nhập cao, Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm và có chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện chuyển đổi số, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Trung Quốc phát huy và thành công tại Việt Nam”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Đồng quan điểm, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhận định, Trung Quốc và Việt Nam là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của nhau, hợp tác kinh tế thương mại là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, quy mô thương mại Trung Quốc-Việt Nam không ngừng mở rộng, đầu tư công nghiệp tiếp tục được tối ưu hóa, hợp tác kinh tế thương mại cũng chứng kiến sự bùng nổ trong những năm gần đây.
Trung Quốc nhiều năm qua vẫn duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 5 trên thế giới. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 80,31 tỷ USD, tăng hơn 20%. Trong cùng kỳ, các công ty Trung Quốc triển khai 278 dự án đầu tư mới tại Việt Nam, đứng đầu trong số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Hiệp định RCEP là một kết quả mang tính cột mốc của quá trình xây dựng hội nhập khu vực. Sau hơn hai năm có hiệu lực, Hiệp định đã góp phần giảm chi phí thương mại khu vực một cách hiệu quả, thắt chặt mối quan hệ giữa chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên tham gia, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam. cũng đóng phần vào việc phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tham tán Công sứ Trung Quốc kỳ vọng chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ tận dụng tối đa nền tảng chất lượng cao do hiệp định RCEP mang lại; khai thác tiềm năng hợp tác, mở rộng kết nối, tăng cường hợp tác cùng có lợi. Qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, cùng chia sẻ tương lai.
Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp Trung Quốc cũng cho biết, cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đang dần trở nên phong phú, mở rộng trong các lĩnh vực nông nghiệp, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng, năng lượng, khu công nghiệp, cao su… Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết MOU giữa Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam và đại diện thành phố Bạc Châu, Tuyên Thành.