Rất cần “liên kết vùng” trong phát triển lĩnh vực logistics
Logistics là ngành dịch vụ thiết yếu đóng góp vào quá trình lưu thông hàng hoá từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam (năm 2023 đạt 638 tỷ USD).
Nhiều dự báo khả năng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam có thể đạt tới 790 tỷ USD.
Tại hội nghị với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Công Thương tổ chức mới đây nhằm triển khai công tác quản lý đồng bộ, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ logistics phát triển, nhiều địa phương kiến nghị cần có sự liên kết vùng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc phát triển lĩnh vực logistics.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc Top 5 ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines). Đại diện Cục XNK, Bộ Công Thương khẳng định, lĩnh vực logistics đã đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD.
Dịch vụ logistics Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, sau gần 10 năm triển khai Quyết định số 1012/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến nay, đã có nhiều điểm cần phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật để đảm bảo tính pháp lý cũng như phù hợp với các Quy hoạch tỉnh, Thành phố mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bà Lê Việt Nga nêu dẫn chứng, và cho rằng: “Trong Luật đất đai mới đây thì chúng tôi rất quan tâm đến những chi tiết liên quan đến những hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối và chợ dân sinh cũng được phép thu hồi đất, trở thành một công trình công cộng, và đấy là một ưu tiên, ưu đãi rất lớn. Thứ hai nữa là cũng có việc thu hồi đất để phục vụ những công trình công cộng, công trình quốc phòng, trong đó có cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Thì nếu như rằng chúng ta đã sửa đổi được vấn đề về trung tâm logistics nằm trong các khu công nghiệp thì sẽ là một bước đột phá lớn để có được những ưu tiên, ưu đãi trong việc đất đai cũng như là việc sử dụng vốn đầu tư công và thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội hợp pháp khác…”.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực logistics, ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề xuất: “Hiện nay việc phát triển logistics rất cần sự liên kết vùng giữa các tỉnh. Hiện nay có nhiều tỉnh đã liên kết với nhau tạo thành vùng, tuy nhiên đang thiếu một định hướng về cơ chế thống nhất của cả vùng.
Nếu thả tự do cho các tỉnh phát triển theo ý mình thì rất dễ dẫn đến tình trạng phát triển thiếu liên kết, thậm chí nó xảy ra chuyện cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Hiện nay là khu vực Bắc Trung Bộ đã hình thành một vùng. Tôi đề nghị là Bộ nên có định hướng: giữa các tỉnh nên xây dựng quy hoạch tỉnh phối hợp để có định hướng liên kết giữa các tỉnh, để các tỉnh phối hợp với nhau, và rất cần định hướng khung của Bộ trên cái nền tảng quy hoạch tổng thể của cả nước…”.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá cao các tỉnh, thành phố, địa phương trong việc triển khai Quyết định số 200/QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025.
Hiện đã có 45 tỉnh, thành ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; 47 tỉnh, thành đã có báo cáo tình hình triển khai hoạt động logistics năm 2023; 09 tỉnh thành đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; 05 tỉnh thành đã tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ địa phương. Một số địa phương đã có sự chủ động trong triển khai, song, mức độ quan tâm, hiểu biết về logistics còn khác nhau.
Liên quan đến việc đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: “Về Nghị định 163/CP thì chúng tôi thấy rất nhiều ý kiến nêu bất cập và nhu cầu sửa đổi Nghị định này, đặc biệt là định nghĩa về phạm vi, khái niệm của các dịch vụ logistics hiện nay đưa ra 16 nhóm ngành này thì có thể là chưa phản ánh hết, hoặc là chưa thể hiện hết các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là thực tế phát triển hiện nay như thương mại điện tử… Nên điều này chúng tôi cũng sẽ đưa vào kế hoạch để đề xuất xem xét sửa đổi trong thời gian tới…”.
Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu., với mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 – 8%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 – 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Dự kiến, Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Bộ Công Thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2024.