[Quảng Trị] Nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh được các cấp hội nông dân triển khai sâu rộng trong những năm qua đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, cùng giúp nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, tăng vụ, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Ra mắt Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Quảng Trị” – Ảnh: H.A
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Bến nhận định: phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh trong từng địa phương; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn; thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và ngày càng thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia.
Thông qua phong trào này, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã chia sẻ cách thức, kinh nghiệm trong thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các hộ nông dân nghèo, khó khăn; có biện pháp cụ thể để giúp hộ nông dân nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong 3 năm (từ năm 2021 đến nay), các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp 417 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, vốn sản xuất.
Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho 5.150 lao động, trong đó có 3.000 lao động có việc làm thường xuyên; hơn 2.000 lao động có việc làm theo mùa vụ. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện tốt việc chỉnh trang nông thôn mới, cải tạo vườn tạp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ…; tự nguyện hiến 125.042 m2 đất; đóng góp 41,4 tỉ đồng; 58.158 ngày công; làm mới và sửa chữa 541 km đường giao thông; nạo vét, nâng cấp 883 km kênh mương nội đồng…
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân; khuyến khích, động viên các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp các hộ nghèo về vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật, cách sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao…
Trong phong trào này đã có những điển hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp hộ nông dân nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo, như ông Võ Doãn Thụ ở Khu phố 8, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh xây dựng trang trại chăn nuôi 200 con lợn nái, mỗi năm cung cấp khoảng 7.500 con lợn giống phục vụ chăn nuôi trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Trang trại lợn thịt của ông mỗi năm nuôi và xuất bán hơn 2.500 con. Trung bình lợi nhuận thu về từ hai trang trại lợn của ông Thụ hơn 1,5 tỉ đồng/năm.
Ông Thụ đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/ người/tháng, 5 lao động thời vụ có thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Thụ cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ những hộ gia đình hội viên nông dân khó khăn như giúp nguồn vốn không tính lãi hàng trăm triệu đồng; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cho 15 hộ nông dân nghèo, khó khăn về giống lợn với số tiền 150 triệu đồng.
Ông Cáp Quốc Hà ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng hiện có hơn 185 ha rừng sản xuất, 1,5 ha cây hồ tiêu, 2 ha cây ăn quả, gần 1 ha ao nuôi cá và chăn nuôi gia cầm. Doanh thu hằng năm từ trồng rừng và kinh tế trang trại đạt từ 2,5 – 3,2 tỉ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận trên 1,25 tỉ đồng.
Trang trại của ông Hà tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ người/tháng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Hà còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, hỗ trợ giúp đỡ các hội viên về nguồn vốn, cây trồng, vật tư và kinh nghiệm sản xuất.
Ông Hà đã giúp đỡ trên 10 hộ nông dân khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho 20 lao động (giúp đỡ về vốn, vật tư nông nghiệp, giống vật nuôi với số tiền 30 triệu đồng).
Ông Nguyễn Hữu Đoài ở khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa mở xưởng sản xuất lưới thép B40, tạo việc làm cho 16 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Giúp 6 hội viên nông dân số vốn 200 triệu đồng (không lấy lãi) để chăn nuôi dê, bò, lợn…
Thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm “cầu nối” liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ đầu vào cũng như đầu ra sản phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh
Chủ động phối hợp liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp kỹ thuật cao, sử dụng công nghệ mới, máy móc nông cụ hiện đại; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn và thực hiện mô hình “Nông dân dạy nông dân”, dạy nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề; gắn phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với “Nông dân Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới”
Vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ cộng đồng ở địa phương về cách thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; có biện pháp cụ thể giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững…