[Quảng Trị] Nền nông nghiệp bắt nhịp với số hóa
Xác định chuyển đổi số là động lực để thay đổi nền nông nghiệp từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từng bước hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, làm chủ khoa học kỹ thuật.
Chuẩn bị phương tiện để triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp “không dấu chân” tại Hợp tác xã Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng -Ảnh: L.A
Nhận thấy xu hướng làm nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển mạnh, sau khi tìm hiểu thị trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quỹ đất, nguồn vốn, nhân lực, chị Trần Thu Trang ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh đầu tư gần 4 tỉ đồng mở trang trại nông nghiệp công nghệ cao Dfarm Quảng Trị tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh. Sau gần một năm xây dựng, cải tạo đất đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ, năm 2020, Dfarm Quảng Trị được hình thành với hệ thống 10 nhà màng có diện tích 5.000 m2 được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản từ khung thép, lớp màng nilon, lưới chắn côn trùng, hệ thống tưới tự động…
Chị Trang cho biết, điểm nhấn của trang trại là hệ thống tưới tự động theo công nghệ Ixrael. Chỉ cần bấm nút là toàn bộ 10 nhà màng sẽ được cung cấp nước tưới nhỏ giọt. Chất dinh dưỡng truyền cho cây trồng theo từng thời kỳ cũng đã được lập trình sẵn.
Tại trang trại, từ tháng 2 – tháng 9 hằng năm Dfarm trồng dưa lưới, dưa lê, dưa hấu theo đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… và một phần tiêu thụ qua kênh bán lẻ với tổng sản lượng 25 tấn dưa các loại. Từ tháng 10 – 12 là thời gian Dfarm trồng các loại rau, cà chua, táo phục vụ thị trường Tết. Tất cả đều đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỉ đồng. “Hiện tại nhiều khâu trong quá trình chăm sóc tại Dfarm đã được tự động hóa”, chị Trang cho hay.
Với mục tiêu ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm bớt sức lao động của nông dân, vụ hè thu năm nay, tại Hợp tác xã Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh (Quảng Bình) triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp “không dấu chân” trên diện tích 2 ha, sử dụng giống lúa HG244 và ĐB97. Theo đó, mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật.
Với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành thiết bị bay không người lái chỉ cần đứng tại chỗ là có thể chủ động thực hiện các thao tác vận hành thiết bị. Ngoài ra, mô hình còn áp dụng cơ giới hóa vào tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch vừa giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, tiết kiệm được lúa giống, giảm vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công.
Theo đánh giá của các hộ nông dân tham gia mô hình, hiệu quả bước đầu của cánh đồng “không dấu chân” đó là giải phóng sức lao động cho nông dân, thời gian gieo sạ chỉ trong một ngày, lượng giống gieo giảm chỉ còn 3 – 4 kg/sào, mật độ gieo đảm bảo, giảm chi phí nhân công dặm tỉa, bón phân, bơm thuốc.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, xác định tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương đẩy mạnh số hóa vào công tác quản lý điều hành và triển khai các mô hình sản xuất trên địa bàn.
Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp số lượng sang nông nghiệp chất lượng, hiện đại; tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Đến nay, trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã có nhiều mô hình ứng dụng quy trình công nghệ cao, internet vạn vật (IoT) vào sản xuất lan hồ điệp, hoa lily, dâu tây, dưa lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hơn 6.000 ha lúa, sắn đã ứng dụng máy bay không người lái vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; hơn 320 sản phẩm nông sản của tỉnh đã được niêm yết giao dịch trên các sản thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hợp tác với các doanh nghiệp về công nghệ viễn thông để cung cấp các địa chỉ số cho nông dân. Thông qua các nền tảng số, hội chợ thương mại trực tuyến, sàn giao dịch điện tử để quảng bá sản phẩm của ngành nông nghiệp đến thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh chuyển đối số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới thông qua triển khai hệ thống camera an ninh, hệ thống tưới cảm biến tự động, gắn tem mã QR truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử…
Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện số hóa cơ sở dữ liệu ngành, đáp ứng nhu cầu tích hợp, chia sẻ, khai thác của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng; ứng dụng các phần mềm để theo dõi, chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, từng bước hướng đến xã hội hóa các ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh giao dịch mua bán sản phẩm và vật tư sản xuất trên nền tảng số; phấn đấu kinh tế số chiếm ít nhất 10% GRDP của ngành nông nghiệp; 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được đưa lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế…