[Quảng Trị] Nâng cao chất lượng nông sản hướng đến thị trường xuất khẩu
Để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Trị đã đầu tư trang thiết bị cho nhà máy, đồng hành với người dân nâng cao năng lực chế biến, tạo dựng uy tín thương hiệu, mở rộng thị trường, từng bước đưa nông sản của người dân có đầu ra ổn định. Nhiều sản phẩm nông sản ở các địa phương trong tỉnh được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính…
Dây chuyền chế biến gạo đạt chuẩn châu Âu của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị -Ảnh: H.N
Bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng
Sau khi xuất khẩu thành công 2 lô hàng cao dược liệu an xoa qua thị trường Mỹ và Canada được đánh giá bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng và người dùng ưa thích, huyện Cam Lộ đã chú trọng mở rộng vùng trồng cây dược liệu này theo đúng quy trình kỹ thuật và tiếp tục phát triển theo hướng hữu cơ, chọn thị trường nước ngoài để tiêu thụ. Theo đó, mỗi héc ta cây an xoa mang về cho người dân nguồn thu từ 180 – 200 triệu đồng/năm. Hiện huyện Cam Lộ đang dự kiến chuẩn bị xuất khẩu thêm khoảng 10 tấn cao dược liệu an xoa nữa sang thị trường Mỹ và Canada.
Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, huyện Cam Lộ xác định phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn và sẽ xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 ha cây dược liệu các loại, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dược liệu trên địa bàn. Theo đó, huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc chế biến sâu để các mặt hàng dược liệu đứng vững được ở thị trường nước ngoài.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư Nhà máy chế biến cao dược liệu an xoa, huyện đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mua sắm dây chuyền công nghệ hơn 22 tỉ đồng. Hệ thống dây chuyền này khép kín, từ sấy khô sản phẩm đầu vào và chiết xuất thành cao, sau đó sấy khô và đóng gói xuất khẩu. Nhờ vậy mà sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn về xuất khẩu. Mục tiêu của huyện là phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh trong thời gian sớm nhất…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 55 cơ sở chế biến sâu các loại dược liệu như gạo, cao su, cà phê, chanh leo…Tỉnh đang triển khai một số giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển đúng hướng, từ tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, đầu tư máy móc, thiết bị đến nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.
Để các mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng vững được tại các thị trường khó tính nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đồng hành với người dân trong việc trồng, chế biến đến tiêu thụ, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 50.000 tấn sắn, 50.000 tấn chuối, 10.000 tấn cao su, 600 tấn chanh leo, 100 tấn tiêu, 50 tấn cà phê rang và cà phê nhân đặc sản cùng dược liệu cao an xoa… xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ và một số thị trường khác.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương đẩy mạnh sản xuất các mô hình nông sản sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ chất lượng cao như lúa hữu cơ, tiêu hữu cơ; dược liệu, cà phê gắn với tín chỉ carbon và một số mặt hàng nông sản sạch khác. Tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với nông dân, từng bước nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, giúp nông dân ổn định cuộc sống trên đồng đất canh tác của mình.
Vào đầu năm 2023, 15 tấn gạo hữu cơ của người dân trong tỉnh được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với giá 1.800 USD/ tấn. Theo đó, mỗi tháng có khoảng 30 – 50 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu sang châu Âu. Để gạo hữu cơ đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài yêu cầu đặt ra rất nghiêm ngặt từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói thành phẩm…
Giám đốc Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị Phạm Thị Diễm Lệ cho biết: tiếp nối thành công của lô hàng gạo hữu cơ đầu tiên ở Quảng Trị xuất khẩu qua thị trường châu Âu, trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng diện tích trồng lúa tại các địa phương. Tập trung quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, từ canh tác đến chế biến nhằm đáp ứng đủ số lượng và yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn đối với gạo hữu cơ xuất khẩu qua thị trường các nước…
Hiện tỉnh Quảng Trị có khoảng 200 ha lúa trồng theo hướng hữu cơ trên tổng diện tích gần 28.000 ha lúa trong toàn tỉnh. Đến năm 2030, tỉnh sẽ nâng diện tích lúa hữu cơ lên hơn 3.000 ha. Đây là triển vọng để tỉnh mở rộng sản xuất lúa và gạo hữu cơ xuất khẩu. UBND tỉnh đã giao Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị làm chủ đầu tư dự án phát triển lúa hữu cơ, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa sản xuất gạo hữu cơ vừa tiêu thụ, vừa phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị Lê Văn Tuyển cho biết: công ty đã đầu tư khoảng 30 tỉ đồng mua sắm dây chuyền hiện đại để xay xát gạo hữu cơ, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu…
Bên cạnh đầu tư các trang thiết bị, mở rộng sản xuất, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá các sản phẩm nông sản để khách hàng trong và ngoài nước biết nhiều hơn về các loại nông sản có giá trị ở Quảng Trị. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn đưa hàng nông sản tiếp cận và tham gia sâu vào nhiều thị trường khó tính trên thế giới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: ngoài chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ từ các nguồn lực khác nhau để các tổ chức, doanh nghiệp và nông dân sản xuất nông sản theo chuỗi quy trình khép kín. Theo đó, tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm và trong kết nối xây dựng thương hiệu sản phẩm để đưa ra thị trường trong nước và thế giới tiêu thụ.