[Quảng Trị] Kết nối trục ngang Đông – Tây, tạo cực tăng trưởng kinh tế để Quảng Trị phát triển
Về vị trí địa lý – kinh tế, Quảng Trị nằm trong hai chiến lược phát triển quốc gia là Hành lang kinh tế Đông – Tây và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà các trụ cột phát triển là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay. Đặc biệt có cảng Cửa Việt và cảng biển Mỹ Thủy, đây chính là cửa ngõ hướng ra Biển Đông, là điểm kết nối quan trọng với Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nên liên kết khu vực phía Đông và phía Tây là tầm nhìn chiến lược, tạo ra cơ hội lớn đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.
Cảng Cửa Việt sẽ được mở rộng, đầu tư nâng cấp để trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trên Hành lang kinh tế Đông-Tây -Ảnh: H.N.K
Lợi thế khu vực phía Đông
Phía Đông của tỉnh Quảng Trị giáp với Biển Đông có bờ biển dài 75 km, dọc bờ biển có hai cửa sông lớn là Cửa Tùng và Cửa Việt. Hệ sinh thái biển phong phú, có ngư trường rộng lớn, nguồn thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. Bờ biển Quảng Trị có nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thuỷ, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra còn có đảo Cồn Cỏ dồi dào tiềm năng để phát triển du lịch biển-đảo. Việc phát hiện mỏ khí tại lô 112,113 cách bờ biển Quảng Trị khoảng 130 km là cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng.
Đặc biệt, sự ra đời của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị phát triển đa ngành được kỳ vọng là điểm đột phá về kinh tế, hình thành một trung tâm lớn về công nghiệp chế biến nônglâm-thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại-dịch vụ và cảng biển của vùng Trung Bộ.
Qua đó, xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và Châu Á-Thái Bình Dương, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Quảng Trị trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Hiện nay, Dự án cảng biển Mỹ Thủy do Công ty CP Liên doanh cảng Quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư có tổng vốn là 14.234 tỉ đồng, thời gian thực hiện 50 năm, sau một thời gian bị gián đoạn do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và một số thủ tục liên quan đã khởi động trở lại vào quý I/2024 và dự kiến khởi công vào cuối tháng 3/2024.
Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện khi hạ tầng kỹ thuật để phát triển cảng biển Mỹ Thủy đang dần hoàn thiện. Đó là sự kết nối vùng hình thành, hạ tầng giao thông, cảng hàng không được đầu tư đồng bộ để phát triển logistics. Do đó, việc xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy là rất quan trọng, mở lối ra Biển Đông, tạo thêm cực tăng trưởng kinh tế cho tỉnh trong xu thế hội nhập và phát triển toàn cầu.
Đối với cảng Cửa Việt hiện có diện tích 42.000m2, 1 bãi chứa hàng rộng 7.200m2, công suất đạt 2 triệu tấn hàng hóa/năm, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 1.000DWT, kho cảng xăng dầu Cửa Việt với diện tích đất xây dựng kho cảng xăng dầu là 11 ha, công suất chứa 45.000m3, cảng nhập xăng dầu chuyên dụng 40.000 DWT, tiếp nhận tàu lớn nhất cỡ 50.000m3; bến xăng dầu Cửa Việt công suất đạt 1,5 triệu tấn/năm. Tỉnh cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo mặt bằng mở rộng cảng Cửa Việt với tổng mức đầu tư hơn 80 tỉ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa qua cảng trong tương lai.
Khu vực ven biển của tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội bao gồm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và tuyến dịch vụ – du lịch ven biển. Nếu khu vực Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế phức hợp đa ngành nghề, lĩnh vực từ công nghiệp, nhiệt điện đến vận tải logistics và cảng biển thì khu vực Cửa Việt, huyện Gio Linh có định hướng phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa, xã hội, là đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển gắn liền với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Đây là định hướng phát triển thể hiện tầm nhìn chiến lược trong tổng quan phát triển một khi Cửa Việt được nâng cấp lên đô thị loại IV vào năm 2050. Đặc biệt, Cửa Việt là điểm cuối Hành lang kinh tế Đông-Tây và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, liên kết với các quốc gia láng giềng cùng phát triển. Do đó, định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển thành vùng trọng điểm kinh tế đa lĩnh vực làm động lực để phát triển kinh tế-xã hội là phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tương lai.
“Mở cửa” phía Tây
Cửa khẩu quốc tế La Lay có vị trí thuận lợi cho phát triển quan hệ quốc tế, thương mại, dịch vụ, là cửa ngõ nối các tỉnh miền Trung Việt Nam với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Những năm trở lại đây, lưu lượng hàng hóa và hành khách thông quan qua cửa khẩu tăng mạnh. Năm 2023, tổng kim ngạch hai chiều đạt hơn 261 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt 575 tỉ đồng, trong đó thu từ nhập khẩu than đá đạt hơn 500 tỉ đồng.
Trong thời gian tới, khi tuyến đường nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy dài hơn 70 km được mở ra, sẽ tạo thành một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Để hình thành vùng kinh tế động lực ở phía Tây nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu và các tuyến giao thông kết nối liên vùng, tỉnh đã khẩn trương xây dựng Đề án Phát triển kinh tế khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Bên cạnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng khu vực cửa khẩu, khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ các quy hoạch để xây dựng đề án phát triển nhằm hình thành một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang kinh tế Đông – Tây, một trung tâm dịch vụ logistics. Tổng nguồn vốn cần huy động thực hiện đề án dự kiến trên 3.000 tỉ đồng.
Ngày 5/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về việc đầu tư xây dựng băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua biên giới lãnh thổ hai nước tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay. Theo đó, dự án vận chuyển than từ mỏ Kaleum, tỉnh Sekong (Lào) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng Mỹ Thủy bằng băng chuyền với tổng chiều dài 160 km sắp được triển khai.
Trong dự án đầu tư băng tải chở than đá, nhà đầu tư sẽ xây dựng cảng chuyên dụng và hạ tầng cảng đủ sức tiếp nhận tàu 50.000 DWT, công suất hoạt động đạt 30 triệu tấn hàng/năm. Một khi, dự án băng chuyền vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đi vào vận hành là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; mở rộng quan hệ đối tác với tỉnh Salavan về đầu tư, thương mại, logistics nhằm khai thác hiệu quả lợi thế vị trí trên hành lang kinh tế theo trục ngang Đông – Tây (PARA-EWEC), kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa các tỉnh Sekong – Champasak – Salavan – Quảng Trị và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, tạo ra cực tăng trưởng mới về kinh tế ở khu vực phía Tây của tỉnh.
Kết nối giao thông, liên kết phát triển
Khu vực ven biển phía Đông của tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế -xã hội bao gồm Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và tuyến dịch vụ-du lịch ven biển. Đặc biệt, có hệ thống giao thông thuận lợi từ Quốc lộ 9 nối cảng Cửa Việt với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 9D nối các điểm du lịch-dịch vụ Cửa Việt – Cửa Tùng – Vịnh Mốc, Quốc lộ 49C nối với trung tâm Khu kinh tế Đông Nam đi Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Ngoài ra, nhiều dự án, công trình động lực như: Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) – Cam Lộ (Quảng Trị), Đường nối nhánh Đông và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà đang gấp rút thi công. Hiện nay, Quảng Trị cũng đang mời gọi chủ đầu tư theo hình thức PPP vào tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo và tuyến đường 15D nối cảng Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay…
Một khi hệ thống hạ tầng quan trọng như đường bộ, đường sắt được đầu tư xây dựng, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng, ổn định, lâu dài sẽ tạo ra những đột phá về kinh tế. Đặc biệt khi nhu cầu sử dụng vận tải đường biển tại Việt Nam tăng nhanh sau khi hoàn thành tuyến đường xuyên Á tạo cơ hội thuận lợi cho tỉnh hình thành tổ hợp cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt ngay điểm cuối Quốc lộ 9 của Hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế theo trục ngang kinh tế Đông – Tây.
Bên cạnh đó là các chính sách quốc tế và khu vực như Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế ĐôngTây, các hiệp định Thương mại tự do – FTA (Cộng đồng kinh tế ASEAN mục tiêu kết nối thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Hiệp định ưu đãi thuế quan CEPTAFTA…), Hiệp định hợp tác ba bên Việt Nam – Lào – Thái Lan, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn tiến theo quá trình hội nhập sâu rộng đang có những tác động nhất định, tạo cơ hội để Quảng Trị hội nhập kinh tế khu vực, tăng tốc phát triển nền kinh tế của tỉnh nhờ vào sự kết nối giữa các vùng kinh tế động lực đã và đang hình thành mà sự kết nối trục ngang Đông – Tây là minh chứng điển hình.
Một khi kết nối được hai hành lang kinh tế song trùng hội tụ ở Mỹ Thủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mũi nhọn kinh tế, đồng thời chia sẻ lợi ích, liên kết, hợp tác với các quốc gia láng giềng cùng phát triển. Từ đây sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, xây dựng Quảng Trị trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các nước trong khu vực trên Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Giải pháp tổ chức thực hiện
Có thể khẳng định dư địa để khai thác nguồn lực kinh tế trên Hành lang kinh tế Đông – Tây, đặc biệt là hành lang kinh tế theo trục ngang Đông – Tây (PARAEWEC) nối Quốc lộ 15D qua Cửa khẩu quốc tế La Lay với các tỉnh nước bạn Lào và ngược lại là rất lớn. Do đó, chủ trương kết nối khu vực Đông – Tây, tạo liên vùng kinh tế để đầu tư phát triển là tầm nhìn chiến lược của tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị cần tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn…Đặc biệt là chú trọng đề xuất đầu tư những dự án có tính liên kết vùng có trong quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kêu gọi các nhà đầu tư triển khai một số dự án trọng điểm như tuyến đường cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo, Quốc lộ 15D, Quốc lộ 9 nối Đông Hà-Cửa Việt, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt…
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án có tính chất liên kết vùng, tạo động lực phát triển nhanh và có tính bền vững.
Thứ ba, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, tranh thủ nguồn ngân sách trung ương cùng với ngân sách địa phương, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kết nối, thiết yếu, có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ động, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn vốn khác để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, xử lý nước thải, rác thải các khu đô thị, khu công nghiệp.
Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu, có năng lực tài chính, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư ở quy mô khác nhau. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng trên một số lĩnh vực có khả năng như cảng biển, kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp…
Thứ tư, chú trọng quy hoạch, đầu tư phát triển chuỗi đô thị ven biển với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước hình thành các khu đô thị, du lịch, dịch vụ sinh thái, đặc biệt là các đô thị dọc theo tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây; các khu kinh tế, khu đô thị dọc hai hành lang kinh tế để đáp ứng quy mô phát triển về dân sinh, kinh doanh thương mại, đặc biệt là dịch vụ logistics…Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; kiểm soát nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm.
Thứ năm, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, nỗ lực vươn lên bằng sức mạnh, ý chí và khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị. Trong đó, cần có sự hỗ trợ quyết liệt bằng những hành động khoa học, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tận tâm, tận lực của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương và trách nhiệm của nhà đầu tư. Có như vậy mới đưa tỉnh Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.