[Quảng Trị] Hướng tới hoàn thiện và nâng hạng sản phẩm OCOP
Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (chương trình OCOP), toàn tỉnh có 138 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 sản phẩm đang được đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá, công nhận 5 sao. Việc nâng hạng sản phẩm OCOP vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Hằng (áo đỏ), Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh giới thiệu về sản phẩm cà phê Khe Sanh đang tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia – Ảnh: BẢO BÌNH
Năm 2023, có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao gồm: gạo hữu cơ Quảng Trị của Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị, tinh bột nghệ Curminreal của Công ty TNHH MTV QT Hùng Dung, xịt dưỡng tóc tinh dầu bưởi của Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị, cao thảo dược gội đầu Mộc Mây của Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Trường Sơn và cao chè vằng Mai Thị Thủy của Công ty TNHH cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy.
Trong số 138 sản phẩm OCOP toàn tỉnh, có 43 sản phẩm 4 sao, 95 sản phẩm 3 sao. Hai sản phẩm được đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia đánh giá, công nhận hạng 5 sao là cà phê Khe Sanh của HTX Nông sản Khe Sanh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe cà gai leo của Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân.
Theo chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh, đến nay HTX đã ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lâu dài, ổn định như Bưu điện tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần phát triển công nghệ xanh toàn cầu (Hà Nội), Công ty sản xuất và thương mại Cát Quế (Hà Nội), hộ kinh doanh Tạ Thị Phượng (Đông Hà), Công ty SLOW Lào và các hệ thống bán lẻ và đại lý tiêu thụ trong nước.
Sản phẩm đã được kết nối tiêu thụ thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống các điểm bán hàng tại cửa hàng bưu điện 9 huyện, thị xã, thành phố, tham gia hội chợ, các điểm trưng bày trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. “Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị một lượng hàng hóa để cung ứng cho thị trường Mỹ. Ngoài ra, một số đối tác cũng quan tâm để liên kết xuất khẩu sản phẩm cà phê của HTX sang thị trường như Pháp… Chúng tôi mong muốn sản phẩm đáp ứng đủ các điều kiện, quy định, được nâng hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác”.
Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đó là số lượng chủ thể mới tham gia còn ít. Nhiều sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh nhưng chưa được khai thác và đăng ký tham gia, có khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại.
Các sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sản phẩm OCOP tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít, chưa có sản phẩm xuất khẩu ra các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số mục tiêu đề ra đến năm 2025 còn chậm như chỉ tiêu số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025 chỉ mới đạt 48% so với kế hoạch.
Toàn tỉnh hiện chưa có sản phẩm OCOP 5 sao (mục tiêu 1-3 sản phẩm), sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch (mục tiêu 1 – 2 sản phẩm). Toàn tỉnh hiện có 21 chủ thể là HTX, chiếm 27,6% chủ thể OCOP (mục tiêu đặt ra là chiếm 40% số lượng chủ thể). Các địa phương chưa chú trọng trong việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc… để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Theo quy định, để nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như xúc tiến thương mại gắn với chỉ dẫn địa lý, liên kết chuỗi, khả năng tiếp cận thị trường, nguồn gốc ý tưởng sản phẩm…
Những yêu cầu này không dễ thực hiện với các chủ thể, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh có nét tương đồng, sản xuất theo quy mô nhỏ, chủ yếu là tiêu thụ tự do trên thị trường. Đối với các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn hơn, sản phẩm ngoài các tiêu chuẩn của 4 sao, còn phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên.
Trên thực tế, hầu hết chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đều có quy mô nhỏ nên việc đầu tư, nâng cấp dây chuyền, máy móc mở rộng sản xuất theo chuẩn hàng hóa cần nguồn kinh phí tương đối lớn. Các HTX hiện nay đa phần là thực hiện các dịch vụ đầu vào cho thành viên, tổ chức sản xuất theo thời vụ, chưa có nhiều HTX tổ chức các hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chuyên ngành.
Do đó không có sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. Các địa phương chưa chú trọng trong việc hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc… để đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Chủ trương của tỉnh là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu. Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP phải khẳng định được chất lượng, thương hiệu và yếu tố của thị trường.
Vì vậy, để hỗ trợ phát triển cũng như nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp, HTX, người dân nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được phân hạng.
Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao.
Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng tỉnh đang có thế mạnh và dư địa để phát triển, đồng thời xây dựng các dự án phát triển sản phẩm OCOP 5 sao. Chú trọng phát triển các sản phẩm có dư địa lớn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh như dược liệu, thủy, hải sản, chăn nuôi, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Ưu tiên các nguồn lực từ các chính sách của trung ương và địa phương hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển mở rộng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP chủ lực địa phương.