[Quảng Ngãi] Tháo gỡ vướng mắc trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng Quảng Ngãi chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, nguồn vốn… Đây cũng là vấn đề cần sự vào cuộc tháo gỡ từ phía ngành chức năng, cũng như chính quyền các địa phương.

Doanh nghiệp gặp khó

Một trong những trở ngại đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là khó tiếp cận đất đai, bởi một số quy định về thủ tục giao đất, cho thuê để nhà đầu tư thực hiện dự án chưa rõ ràng. Một số dự án (DA) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khiến DN gặp nhiều khó khăn. Đại diện một DN đầu tư nuôi tôm trên địa bàn xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) cho biết, quy định trình tự, thủ tục, điều kiện về giao đất, cho thuê đất phục vụ các  DA nông nghiệp rất phức tạp, thời gian kéo dài. Vì vậy, tiến độ thực hiện DA kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cũng như cơ hội của DN; trong khi việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao, nguồn lực lớn, thời gian thu hồi vốn khéo dài.

Dự án Đầu tư nuôi tôm tại xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) sau nhiều năm vẫn chưa triển khai, vì vướng quy định về đất đai.
Dự án Đầu tư nuôi tôm tại xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) sau nhiều năm vẫn chưa triển khai, vì vướng quy định về đất đai.

Vấn đề phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho nông dân cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Võ Thị Hồng Vân cho biết, nếu giá sản phẩm cao, nông dân lại “bẻ kèo” bán ra ngoài, hoặc bán cho thương lái ở chỗ khác, trong khi công ty buộc phải mua theo giá đã ký hợp đồng với nông dân. Vì vậy, khi hợp tác tổ chức sản xuất hàng hóa với nông dân, DN rất sợ “vỡ” hợp đồng, dẫn đến thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Để thu hút DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền cần có giải pháp tháo gỡ khúc mắc này; đồng thời có biện pháp chấn chỉnh tình trạng DN tranh mua theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh.

Cần tháo gỡ những điểm nghẽn

Mới đây, tỉnh ban hành Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là đến năm 2030, tổ chức sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đạt diện tích khoảng 1.500ha, sản lượng đạt trên 24 nghìn tấn. Trong đó, trên 90% diện tích (1.350ha) rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất rau an toàn; từ 10% diện tích (từ 150ha trở lên) rau an toàn, tập trung, được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; từ 10% diện tích (từ 150ha) rau tham gia liên kết sản xuất… Để đạt mục tiêu trên, tỉnh khuyến khích, kêu gọi DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 34 DA đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 1.700 tỷ đồng; trong đó, có 19 DA đã hoạt động, 11 DA đang triển khai và 4 DA đã bị thu hồi. Riêng 2 năm 2024 – 2025, lĩnh vực nông nghiệp không có DA nào nằm trong danh mục DA thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo các chủ DN, để nhà đầu tư mạnh dạn “rót vốn” vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ thì trước hết, tỉnh cần xem xét tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu. Đó là, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, gắn với sự thông thoáng trong tiếp cận chính sách đất đai; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thuận lợi để hấp dẫn DN đầu tư vào sản xuất, gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt (Tư Nghĩa) Nguyễn Văn Sáng cho biết, cấp thẩm quyền cần quy định rõ ràng các thủ tục liên quan đến đất đai, tài chính nhằm khơi thông hành lang pháp lý cho các DN cũng như các tổ chức tài chính tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, tạo vùng sản xuất tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa để sản xuất nông nghiệp xanh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở NN&PTNT đã tập trung xác định, đề xuất vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, để tham mưu và trình tỉnh xem xét đầu tư hoàn thiện hạ tầng, để thu hút DN.

Theo Báo Quảng Ngãi