[Quảng Ngãi] Hướng đi mới cho xuất khẩu
Hoạt động xuất khẩu của Quảng Ngãi tăng trưởng mạnh trong những năm qua, với nhiều mặt hàng mới và phong phú.
Đa dạng các mặt hàng xuất khẩu
Đối với Quảng Ngãi, ngoài sản phẩm truyền thống là dăm gỗ, tinh bột mì, thì sản phẩm lọc dầu và luyện kim (thép) đang tăng về lượng và chất trong hoạt động xuất khẩu. Cùng với đó là các sản phẩm công nghiệp nhẹ của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại KCN VSIP Quảng Ngãi. Với 27 DN đang hoạt động tại KCN VSIP Quảng Ngãi, mỗi năm giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng hàng trăm triệu USD, với các sản phẩm như sợi, vải, nệm sofa, giày da, linh kiện điện tử…
Công nhân Nhà máy Happy Dung Quất (KCN VSIP Quảng Ngãi) sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nhẹ và mở rộng, dịch chuyển nhà máy, xí nghiệp ra khu vực huyện Bình Sơn. Chiến lược này được thực hiện thông qua việc cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nhẹ Bình Hòa – Bình Phước (thuộc KKT Dung Quất). Dự án có quy mô gần 250ha; tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Ngành nghề thu hút là dệt nhuộm, may mặc, giày dép; chế tác đồ trang sức, đá quý; thủ công mỹ nghệ…
Ngoài ra, theo quy hoạch chiến lược phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, giai đoạn 2021-2030, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm bớt phụ thuộc vào 2 ngành chính là lọc dầu và luyện kim (thép). Tỉnh sẽ tập trung mở rộng xuất khẩu mang tính chất lan tỏa, sản phẩm xuất khẩu phải được sản xuất trong DN sử dụng số lao động lớn, tạo ra việc làm, thu nhập cho nhiều người, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Hiện tại, việc phát triển xuất khẩu tại KCN VSIP Quảng Ngãi đang đi theo định hướng của chiến lược này, với các DN sản xuất hàng xuất khẩu đang sử dụng ít nhất là 400 lao động, nhiều nhất lên đến hơn 4.000 lao động.
Còn bất cập trong xuất khẩu dăm gỗ
Một lãnh đạo tỉnh cho rằng, Quảng Ngãi sẽ tính toán đến việc hạn chế xuất khẩu dăm gỗ. Cùng với đó, gỗ keo muốn xuất khẩu phải chế biến sâu, không xuất thô như lâu nay nữa. Tỉnh cũng tính đến phương án chuyển đổi cây trồng, để hạn chế bớt việc phát triển cây keo ồ ạt. Bởi lợi ích mà hoạt động xuất khẩu dăm gỗ mang lại không lớn, nhưng lại tồn tại nhiều bất cập.
Theo thống kê, hiện Quảng Ngãi có 63 dự án sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ, với tổng vốn đầu tư 2.939 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 157ha. Trong đó, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 28 dự án, tổng vốn đầu tư 1.854 tỷ đồng; các cụm công nghiệp có 35 dự án, tổng vốn đầu tư 1.085 tỷ đồng. Hiện có 45 dự án đang hoạt động. Mỗi năm, hoạt động xuất khẩu dăm gỗ đóng góp vào ngân sách khoảng 30 tỷ đồng, nhưng số tiền để đầu tư nâng cấp, sửa chữa đường giao thông do xe vận chuyển gỗ dăm làm hư hỏng lại cao gấp 10 lần. Hơn nữa, việc trồng keo để lấy gỗ đã khiến đất đai bị bào mòn, suy giảm nguồn nước, thoái hóa đất nhanh chóng.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực dăm gỗ không thực hiện đúng giấy đăng ký kinh doanh đã được cấp là “chế biến sâu 70% và băm dăm 30%”. Thực tế, tỷ trọng chế biến sâu về gỗ, dăm gỗ còn thấp. Các DN gần như chỉ chú trọng khai thác, chế biến cây non, chưa sử dụng máy móc, công nghệ để chế biến sâu, chỉ xuất khẩu thô, quay vòng vốn. Hoạt động xuất khẩu dăm gỗ cũng chủ yếu là bán qua khâu trung gian, chứ không trực tiếp xuất khẩu. Dù mặt hàng dăm gỗ nhiều năm nay được xem là “truyền thống, chủ lực”, nhưng do chất lượng không đảm bảo nên không vào được thị trường Châu Âu, mà chỉ xuất sang Trung Quốc. Hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực này đều không xây dựng vùng nguyên liệu, để có cơ chế, chính sách cho nông dân trồng keo. Vì thế, tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra khá phổ biến.