[Quãng Ngãi] Hiệu quả sau tái cơ cấu

Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 -2025 (Kế hoạch) từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước gần 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022; trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng của toàn ngành, với tổng giá trị đạt trên 9.400 tỷ đồng, tăng 5,1%; lĩnh vực thủy sản có giá trị đạt hơn 7.200 tỷ đồng, tăng 3%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc lĩnh vực thủy sản, tinh bột mì, đồ gỗ… đạt trên 235 triệu USD.

Trồng trọt, chăn nuôi ổn định

Điểm sáng trong lĩnh vực trồng trọt là phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, gắn với chuỗi liên kết, tạo sản phẩm đặc trưng. Giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh phát triển gần 3.200ha cây ăn quả, chuyển đổi gần 2.300ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng; xây dựng 287 cánh đồng lớn, với diện tích gần 5.500ha… Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp tăng gần 5,7%/năm và đạt 104 triệu đồng vào năm 2023.

Mô hình trồng cà chua trong nhà kính ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: MỸ DUYÊN

Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 6%/năm, cơ cấu giống và chủng loại vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị. Quy mô chăn nuôi chuyển dịch từ nông hộ, nhỏ lẻ sang tập trung (81 trang trại) theo hướng an toàn với dịch bệnh, trong đó Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi có gần 3.300 con bò sữa. Riêng đàn heo hiện có hơn 395 nghìn con, sản lượng thịt gần 45,4 nghìn tấn (chiếm gần 52% cơ cấu sản phẩm chăn nuôi).

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân cho biết, huyện đã chuyển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng phát triển có chiều sâu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Huyện đã quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, với diện tích gần 1.500ha; chuyển đổi hàng nghìn héc ta đất trồng mì và lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn; triển khai thực hiện hơn 100 cánh đồng lớn sản xuất lúa và các loại rau màu, hình thành và duy trì vùng sản xuất lúa chất lượng với diện tích 5.000ha… Nhiều cánh đồng sản xuất rau, củ, quả tập trung trên địa bàn huyện Mộ Đức đạt doanh thu từ 280 triệu đồng/ha/năm trở lên, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng thúc đẩy ngành nông nghiệp và các địa phương chú trọng đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, vừa thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, vừa phục vụ tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh và phòng chống thiên tai. Toàn tỉnh hiện có 807 công trình thủy lợi (gồm 127 hồ chứa nước, 532 đập dâng, 8 đập ngăn mặn và 140 trạm bơm) được đưa vào quản lý, khai thác và 2.500/4.300km kênh mương được kiên cố hóa. Qua đó đảm bảo cấp nước (gần 8 triệu mét khối) cho công nghiệp, sinh hoạt và gần 79 nghìn héc ta đất nông nghiệp trong 2 vụ sản xuất đông xuân, hè thu.

Thủy sản, lâm nghiệp bứt phá

Thủy sản là lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao, dịch chuyển đúng hướng tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,15%/năm, giá trị năm 2023 đạt trên 7.200 tỷ đồng, tăng 3% so với toàn ngành. Năm 2023, tổng diện tích thả nuôi thủy sản đạt gần 1.400ha, giảm hơn 9% nhưng sản lượng đạt gần 11,3 nghìn tấn, tăng 28,3%.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu và đa dạng các đối tượng nuôi trồng, xây dựng và triển khai nhiều mô hình nuôi xen ghép… Chi cục tăng cường thực hiện công tác quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Qua đó cung cấp cho người dân thông tin, diễn biến môi trường vùng nuôi, giúp chủ động quản lý nguồn nước và phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi trồng.

Nuôi trồng thủy sản từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm. Trong ảnh: Người dân xã Phổ An (TX.Đức Phổ) thu hoạch ốc hương.

Sức bật của Kế hoạch còn thể hiện đậm nét qua việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2021 – 2025 với tổng diện tích gần 257,6 nghìn héc ta, tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%. Đã có gần 3.700ha rừng được quản lý rừng bền vững và đã được cấp chứng chỉ rừng (FSC) và tiếp tục mở rộng 6.000 ha. Toàn tỉnh cũng đã trồng trên 104,7ha rừng phòng hộ đầu nguồn và trên 1.900ha rừng phòng hộ ven biển, nâng độ che phủ rừng đầu nguồn đạt gần 83%. Gần 43,4 nghìn héc ta rừng được quản lý và bảo vệ từ các nguồn lực xã hội, chủ yếu là nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường hằng năm…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, kết quả thực hiện Kế hoạch thể hiện rõ qua việc môi trường nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân nông thôn từng bước được cải thiện, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân dần thay đổi. Ngành nông nghiệp và cả DN, nông dân đều thấy rõ vai trò của việc liên kết chuỗi sản xuất – cung ứng và sản xuất theo tiêu chuẩn cụ thể. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp cũng như chính quyền các địa phương chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn với phát triển các loại nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP tiềm năng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, từng bước tiến vào thị trường bán lẻ và xuất khẩu. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch của toàn ngành cũng như Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Báo Quảng Ngãi