Tín hiệu lạc quan từ Chỉ số xanh Quảng Nam
Quảng Nam được đánh giá là một trong các địa phương nằm trong tốp 20 tỉnh, thành có chất lượng quản trị môi trường tốt thông qua Chỉ số xanh (PGI) 2023.
Cung cấp hạ tầng theo các chương trình chống sạt lở bờ biển, tạo điều kiện an toàn cho doanh nghiệp của Quảng Nam được đánh giá cao.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số PGI năm 2023 của Quảng Nam xếp vị thứ 16/63 tỉnh, thành (năm 2022 ở vị thứ 25/63) và giữ vững vị thứ 3/14 tỉnh, thành vùng Duyên hải miền Trung.
Theo phân tích, chỉ số thành phần “Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, biến đổi khí hậu”, Quảng Nam đạt 6,71 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành; có 9/15 chỉ tiêu nằm trong tốp 20/63 tỉnh, thành.
Đạt điểm cao nhất thuộc về chỉ số “Đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường” khi đạt 7,72 điểm, xếp hạng 2/63 tỉnh, thành và đứng đầu 14 tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung.
Chỉ số thành phần “Vai trò chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh tại các doanh nghiệp” đạt 3,91 điểm, xếp hạng 40/63 tỉnh, thành. Theo chỉ số này, Quảng Nam có 2/11 chỉ tiêu nằm trong tốp 20/63 tỉnh, thành.
Chỉ số thành phần “Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh” đạt 4,95 điểm, xếp hạng 43/63 tỉnh, thành. Trong số 6 chỉ tiêu của chỉ số này, Quảng Nam có 2 chỉ tiêu nằm trong tốp 20/63 tỉnh, thành.
Kết quả này không có gì bất ngờ hay ngạc nhiên. Suốt 10 năm qua, hàng trăm triệu ngoại tệ từ quốc tế đã đổ bộ vào tái thiết địa phương. Viện trợ phát triển chính thức đã giúp Quảng Nam thực hiện các dự án cải thiện môi trường đô thị, chống xói lở bờ biển, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao an toàn hồ đập, bảo vệ nguồn nước.
Nhiều dự án đầu tư hạ tầng về phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, khơi thông dòng chảy các con sông, tiến đến liên kết vùng miền Trung hay xây dựng thành phố thông minh, hỗ trợ cải thiện thu nhập người dân thông qua thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp thông minh, bảo tồn rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng, cảnh quan miền núi… Nguồn tài chính từ quốc tế, cộng với ngân sách, đã tạo ra diện mạo mới cho Quảng Nam…
An toàn hồ đập, ứng phó thiên tai là một trong những chỉ tiêu chỉ số xanh của Quảng Nam được doanh nghiệp đánh giá cao.
Quảng Nam đã từ chối rất nhiều dự án đầu tư dù có thể đem lại nguồn thu, mang lại giá trị lớn nhưng nguy cơ gây ô nhiễm. Từ 2015 đến nay, địa phương đã lấy hệ sinh thái khép kín của THACO Group hướng đến phát triển bền vững dù rất nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, cơ khí, nhưng vẫn bảo đảm môi trường, xanh, sạch và khoa học (liên kết, hợp tác với doanh nghiệp khác cũng yêu cầu theo tiêu chí này). Thiết lập trật tự khai thác khoáng sản vàng, đất, cát…
Yêu cầu đưa ra lộ trình đổi mới công nghệ, loại bỏ công nghệ khai thác ô nhiễm thông qua việc giám sát và xử lý vi phạm. Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên cả nước đổi mới quản lý, bảo vệ rừng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả gắn chính quyền địa phương, hạn chế tối đa các vụ phá rừng lớn.
Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên phối hợp các tổ chức quốc tế xây dựng nên bộ tiêu chí du lịch xanh. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xanh theo bộ tiêu chí này…
Tất cả tư duy, nội hàm “chỉ số xanh” đã thể hiện rất rõ trong đồ án quy hoạch. Quá trình tái cơ cấu các hoạt động kinh tế (công nghiệp, xây dựng, hạ tầng cho đến nông – lâm – thủy sản, thương mại dịch vụ…) đều phải xoay quanh tư tưởng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xanh hóa các ngành kinh tế.
Điều đó được thực hiện thông qua tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên; giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giảm thiểu tác động tiêu cực đến tự nhiên, văn hóa, xã hội; thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu…
Kết quả PGI 2023 cũng đã chỉ ra hạn chế. Lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn là ưu tiên số một, nên cơ cấu ngành nghề, yếu tố công nghệ, môi trường của dự án chưa được chú trọng.
Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, phần lớn trong lĩnh vực dệt may, da giày, cơ khí, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, hải sản… Các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp một cách rời rạc, đơn lẻ nên hạn chế việc chuyển giao công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến (trừ một vài doanh nghiệp lớn như Trường Hải…).
Do diện tích đất quá nhỏ, manh mún, khó xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Sản xuất bị đe dọa bởi thời tiết, thiên tai nhiều hơn và nông dân không đủ khả năng làm nông nghiệp công nghệ cao… Công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp. Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển.
Hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu khả năng cạnh tranh. Việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chỉ chiếm 0,56% trong GRDP…
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký VCCI nói, khi điểm số, thứ hạng PGI cải thiện, có nghĩa chất lượng môi trường tốt hơn. Sức khỏe, sự an toàn của cộng đồng tại địa phương đã được cải thiện. Phát triển theo hướng xanh là xu hướng. Đây là trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, lộ trình này mới chỉ bắt đầu. Hầu hết tỉnh, thành trên cả nước đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh và chưa có nhiều thời gian để tạo ra thay đổi lớn. Quảng Nam không ngoại lệ.