[Quảng Nam] Tháo rào cản để đón làn sóng đầu tư

Sự bứt phá, tăng trưởng kinh tế tích cực của Quảng Nam trong năm 2024 và quý I/2025 có sự đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và trực tiếp nước ngoài. Rào cản về mặt bằng, vướng mắc về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, thủ tục đầu tư đã từng bước được các cấp chính quyền vào cuộc tháo gỡ kịp thời, tạo niềm tin, sự hài lòng cho các doanh nghiệp.

z5600071782292_465b657bcc354d28529ad439cefa269e.jpg

Lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư đối với một số dự án quan trọng . Ảnh: PHAN VINH

Săn đón nhà đầu tư

Từ khi ra đời Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đầu năm 2024 và 2025, UBND tỉnh đều ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, trong đó thu hút dự án bám sát những định hướng lớn của tỉnh, sự phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển không gian của các địa phương, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh…

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, Quảng Nam đã ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh bao gồm 58 dự án ưu tiên thu hút đầu tư và gần 180 dự án thu hút đầu tư nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

z6379348238978_556977885d28d6d1dab7965ebdc6fd6e.jpg

Tập đoàn Thaco đang quan tâm dự án đầu tư Trung tâm logistics, vận tải đa phương thức gắn với cảng biển Quảng Nam – Cảng hàng không Chu Lai. TRONG ẢNH: Cảng Trường Hải – Chu Lai. Ảnh: HỮU PHÚC

Đặc biệt, cuối tháng 3/2025 vừa qua đã rà soát được danh mục 18 dự án đang có nhà đầu tư quan tâm, trong số này có các dự án nằm trong nội dung Thông báo số 40/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam hồi đầu tháng 2/2025.

Ưu tiên hàng đầu vẫn là thu hút các tập đoàn kinh tế lớn vào những lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh còn nhiều dư địa phát triển của tỉnh. Riêng ngành công nghiệp sẽ kêu gọi dự án có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng cao, theo hướng kinh tế tuần hoàn, tự động hóa cao; còn du lịch luôn đeo đuổi với mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế…

Lãnh đạo tỉnh đã chủ động, lên kế hoạch xúc tiến, săn đón nhà đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính… Trong năm 2024, Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc; làm việc với các doanh nghiệp tại tỉnh Osaka và thành phố Tokyo (Nhật Bản).

Thông qua các diễn đàn, chương trình, chính quyền tỉnh tranh thủ giới thiệu đầu tư thương mại Úc – Việt tại TP.Hồ Chí Minh; mở rộng hợp tác đầu tư ITC Hàn Quốc – Việt Nam khu vực miền Trung.

Lãnh đạo tỉnh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp lớn trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư như các tập đoàn Ashigara Environment, Sumitomo (Nhật Bản), đoàn doanh nghiệp tỉnh Jeollanam-do (Hàn Quốc), Công ty TNHH LSMK (Hàn Quốc), đoàn doanh nghiệp Cát Lâm (Trung Quốc), Tập đoàn Điện khí Quốc Quang, Liên đoàn doanh nghiệp Singapore, Công ty Chaodai Textile PTE, Tập đoàn BIN…

UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh tiếp xúc, làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới và Việt Nam để thu hút các dự án có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành các cụm liên kết về sản xuất – chế tạo – cung ứng – dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tỉnh kết nối các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Quảng Nam cũng đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ chính sách đặc thù cho tỉnh ở một số ngành, lĩnh vực đầu tư sân bay, luồng và cảng biển, logistics…”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình

Cũng theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, để săn đón các nhà đầu tư, Quảng Nam đã làm việc trực tiếp với các tổ chức xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tăng cường cung cấp cho nhà đầu tư, doanh nghiệp các thông tin về môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 1.071 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quảng Nam còn ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, Thaco Chu Lai cam kết nghiên cứu đầu tư 7.200 tỷ đồng vào loạt dự án giao thông, công nghiệp; Công ty CP Capela Quảng Nam dự kiến đầu tư 600 tỷ đồng vào Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng 2; Tập đoàn đầu tư Việt Phương nghiên cứu đầu tư 6.500 tỷ đồng vào hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình 1; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An cam kết đầu tư 4 tỷ USD cho giai đoạn 2 Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An…

Tập trung tháo gỡ từng điểm nghẽn

Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, Quảng Nam không thể “xé rào” so với quy định chung trong thu hút đầu tư, cũng như thiếu mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các “điệp khúc” chậm giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguyên vật liệu, thay đổi trong điều chỉnh quy hoạch… luôn là những cản lực lớn khiến các dự án gặp khó khăn.

img7197-17389966574111979213483-1512.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong chuyến khảo sát hiện trạng, bản đồ cảng biển Chu Lai đầu tháng 2/2025. Ảnh: THÀNH CÔNG

Đặc biệt, một số dự án bất động sản thời gian qua dù đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nghĩa vụ tài chính, đáp ứng các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng…, song vẫn chưa được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đưa vào kinh doanh.

Theo UBND tỉnh, điểm nghẽn là nguồn lực và năng lực của một số nhà đầu tư đang thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh còn hạn chế dẫn đến việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh còn chậm, chưa hiệu quả. Kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu liên kết với quốc tế. Trong khi đó, việc thay đổi chính sách của Luật Đất đai năm 2024 ảnh hưởng rất lớn đến công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất dự án trên địa bàn…

Nhận diện được bất cập trên, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trước và sau cấp phép đầu tư như: tổ chức đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng; kiện toàn Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… từng dự án trọng điểm.

Chuyển động rõ nhất là 5 tổ công tác tích cực bám sát dự án, địa bàn đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định giá đất tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn…

Với những tiềm năng sẵn có, dư địa phát triển còn lớn, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ bằng cách tháo gỡ dứt điểm từng điểm nghẽn mặt bằng, thủ tục đầu tư…, Quảng Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2024, Quảng Nam đón nhận các đối tác đầu tư đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về vốn đầu tư, Singapore là đối tác có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 8 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 4,11 tỷ USD.

Trong khi đó, Hàn Quốc hiện là đối tác FDI có số lượng dự án lớn nhất với 59 dự án, tổng vốn đăng ký 949,4 triệu USD, đứng thứ hai là Trung Quốc với 45 dự án với tổng vốn đăng ký là 413,1 triệu USD, đứng thứ ba là Nhật Bản với 19 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 140 triệu USD.

Quý I/2025, Quảng Nam đã cấp mới 10 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký khoảng 623,68 tỷ đồng; cấp mới 4 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 12,34 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa tỉnh có 1.177 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 230 nghìn tỷ đồng và 205 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Theo Báo Quảng Nam