[Quãng Nam] Tập đoàn nổi tiếng Ấn Độ muốn ‘rót’ vốn đầu tư sân bay Chu Lai

Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, Tập đoàn Adani và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, nhiều vấn đề “nóng” trên địa bàn được đề cập.

PV Tiền Phong đặt câu hỏi tới lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về đề án xã hội hóa sân bay Chu Lai , hiện có doanh nghiệp nào đặt vấn đề ngỏ ý đầu tư?

Trả lời câu hỏi, Chủ tịch UBND Quảng Nam cho hay Tập đoàn Adani và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai tại huyện Núi Thành.

Tập đoàn nổi tiếng Ấn Độ muốn 'rót' vốn đầu tư sân bay Chu Lai- Ảnh 1.Sân bay Chu Lai – Quảng Nam.

Về đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai, Chủ tịch Quảng Nam cho hay trước đây Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh đã đồng ý chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có doanh nghiệp nào vào làm chính thức do dịch bệnh khó khăn.

“Sau chuyến đi của Thủ tướng đến Ấn Độ, Tập đoàn Adani của Ấn Độ và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai . Nếu đủ điều kiện thì họ sẽ đề xuất tiếp, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ” – ông Dũng thông tin.

Tập đoàn nổi tiếng Ấn Độ muốn 'rót' vốn đầu tư sân bay Chu Lai- Ảnh 2.Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng. Ảnh: Hoài Văn.

“Quan điểm của tỉnh là mong muốn Trung ương cho phép đầu tư sân bay Chu Lai theo hướng xã hội hóa. Tỉnh hoan nghênh chào đón nhà đầu tư vào nghiên cứu, trên tinh thần tuân thủ các quy định pháp luật. Quảng Nam cũng rất kỳ vọng sân bay Chu Lai được đầu tư thành sân bay cấp 4F, trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa lớn” – ông Dũng khẳng định.

Hồi tháng 7, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Gautam Adani – Chủ tịch Tập đoàn Adani Ấn Độ.

Lãnh đạo tập đoàn Adani bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, với các dự án hàng tỷ USD. Cụ thể, Tập đoàn Adani đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), với tổng vốn dự kiến trên 2 tỷ USD, tạo ra hệ sinh thái đầy đủ về logistics.

Adani cũng mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 2,8 tỷ USD.

Ngoài ra, Adani cũng đang có dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, logistics như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2 (Đồng Nai), sân bay Chu Lai (Quảng Nam).

Theo Báo Tiền Phong