Tiềm năng xuất khẩu và năng lực đáp ứng của logistics
Năm 2023, Trung Quốc chi hơn 24,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại nông sản, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 sang nước này, chỉ sau Thái Lan. Kết quả trên đến từ các Nghị định thư được ký kết giữa hai nước, áp dụng cho xuất khẩu các nông sản chính ngạch như chuối, thanh long, xoài, dưa hấu, nhãn… mở ra cơ hội giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường lớn này. Trong thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhiều tiềm năng cho các loại nông sản Việt.
Tuy nhiên, con đường chính đưa mặt hàng này vào Trung Quốc là đường bộ, thông qua các cửa khẩu phía Bắc như Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma ở Lạng Sơn hoặc Móng Cái (Quảng Ninh)… Một doanh nghiệp trong ngành cho biết, với lộ trình trên khi tập kết ở các cửa khẩu, nông sản có thể thiếu hệ thống bảo quản, kho bãi lạnh, dễ xảy ra ùn tắc vào mùa cao điểm khiến phát sinh chi phí logistics, đặc biệt nhóm trái cây từ khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên do khoảng cách vận chuyển xa.
Từ những rủi ro trên, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận, vận chuyển đường bộ – cảng biển – đường biển, giúp tối ưu chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản. Doanh nghiệp này đầu tư phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ logistics trọn gói từ vận chuyển, thủ tục xuất khẩu, kiểm dịch, khai báo hải quan, lưu kho, bảo quản… phục vụ xuất khẩu nông sản bằng container lạnh chuyên dụng qua cảng Chu Lai. Từ đó, Thilogi kỳ vọng nông sản chính ngạch có thể thuận lợi hơn khi tiếp cận các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…
Phát triển logistics giúp nâng cao giá trị nông sản Việt
Theo nhận định từ Thilogi, dịch vụ logistics sẽ giúp nâng cao giá trị cho chuỗi nông sản, khi đảm bảo tính kết nối và trọn gói. “Ngoài xuất khẩu bằng đường bộ truyền thống, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh vận chuyển đa phương thức nhằm tối ưu chi phí, thời gian, nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm rủi ro có thể phát sinh”, đại diện một doanh nghiệp trong ngành cho biết.
Nhiều doanh nghiệp tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào, Campuchia… sử dụng giải pháp logistics trọn gói từ Thilogi, liên kết hoạt động giao nhận vận chuyển từ đường bộ đến đường biển và các dịch vụ cảng biển như: lai dắt tàu, xếp dỡ, kiểm đếm, kho – bãi, đại lý tàu biển, thủ tục hải quan. Đại diện Thilogi cho biết, doanh nghiệp sở hữu đội xe vận chuyển, container lạnh chuyên dụng (40, 45 feet) với hơn 200 xe đầu kéo, giúp nông sản được bảo quản trong nền nhiệt tương thích theo quy định của từng chủng loại.
Tại cảng Chu Lai, hệ thống bãi lạnh được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, diện tích hơn 12.500 m2 với sức chứa 1.000 container lạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thời gian tới, cảng này sẽ đưa vào khai thác bến cảng 50.000 tấn cùng hệ thống thiết bị xếp dỡ hiện đại, triển khai phần mềm e-Port giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế 24/7. Đồng thời, cảng cũng tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, liên kết các hãng tàu quốc tế… để ổn định giá cước vận chuyển, phát triển thêm tuyến hàng hải nối từ Chu Lai đến nhiều cảng lớn trên thế giới. Tần suất dự kiến 4 chuyến một tuần.
“Hiện nay, biểu phí dịch vụ tại cảng Chu Lai thấp hơn từ 10 – 30% so với các cảng trong khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản với chi phí tối ưu”, đại diện Thilogi nói. “Chúng tôi đang hoàn thiện mạng lưới logistics lấy trọng tâm là cảng Chu Lai, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao nhận, bảo đảm hàng hóa an toàn, hạn chế hư hỏng”.
Với loạt giải pháp logistics phục vụ nông nghiệp, cảng Chu Lai đang từng bước khẳng định những lợi thế riêng, hứa hẹn tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt khi ra thị trường thế giới.