[Quảng Nam] Định vị Quảng Nam trong tầm nhìn kinh tế vùng

Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị định hướng 3 tiểu vùng phát triển trong tổng thể vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (gồm tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ). Trong đó, tiểu vùng Trung Trung Bộ “có vai trò động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển toàn vùng”.

san-bay-chu-lai-1.jpg
Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: HÀ QUANG

Nằm ở điểm giữa của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và với những lợi thế riêng có, Quảng Nam hẳn có cơ hội và sứ mệnh quan trọng trong sự phát triển của toàn vùng, kể cả cộng hưởng phát triển với tỉnh khu vực Tây Nguyên và xa hơn.

Riêng có, đặc biệt

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành có lần tiết lộ, từ năm 1997, ông đã từng mạnh dạn “kéo” vài tập đoàn tài chính – hàng không hùng mạnh của Mỹ về Việt Nam nghiên cứu đầu tư phát triển sân bay Chu Lai để trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của Việt Nam và khu vực.

Các nhà đầu tư rất háo hức, số vốn dự kiến đầu tư không phải vài tỷ, vài chục mà hàng trăm tỷ USD. Cơ hội bị bỏ lỡ vì một số lý do có tính “nhạy cảm” thời điểm ấy.

Nhưng đáng chú ý là những năm sau này, một số “ông lớn” hàng không của Mỹ vẫn tiếp tục tìm đến khảo sát, mong có cơ hội làm ăn tại Chu Lai.

Có gì đặc biệt ở một vùng cát trắng hoang hóa nằm giữa một không gian kinh tế rộng lớn và nghèo nàn, lạc hậu thuộc loại nhất nhì cả nước?

Ông Bùi Kiến Thành lý giải: “Từ Chu Lai, chỉ cần 2- 4 giờ bay là đáp xuống hàng loạt trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đây là lợi thế rất đặc biệt, hiếm có”.

Một số chuyên gia sau này còn chỉ thêm những yếu tố khác: sân bay Chu Lai có diện tích lớn hơn cả Tân Sơn Nhất, Nội Bài, phần lớn không có dân cư, rất thuận lợi khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư thấp; không lưu tốt;…

Cũng năm 1997, trong tình thế nan giải của một địa phương mới ra riêng với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phải tập trung toàn lực giải quyết những vấn đề cấp bách như thiếu đói, hạn hán, dịch bệnh..; Quảng Nam đã sớm định hình một quyết sách táo bạo, có tính bước ngoặt trong lịch sử kinh tế hàng trăm năm của địa phương: Đi lên từ công nghiệp – dịch vụ.

Quảng Nam có tiềm năng, cơ hội và chỉ có thể giải quyết bài toán đói nghèo, làm giàu bằng công nghiệp và dịch vụ! Quyết định 430 của UBND tỉnh ban hành tháng 4/1997 về cơ chế thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi vượt trội so với thời điểm đó, chính là bước đầu tiên cụ thể hóa tư duy, tầm nhìn mới.

Năm 1999, Bộ Chính trị có chủ trương nghiên cứu thành lập thí điểm một số đặc khu kinh tế ven biển. Khu kinh tế mở Chu Lai được chọn sau khi vượt qua mười mấy đề án khác của các địa phương.

Sự kiện này, chắc chắn, không đơn thuần chỉ là ưu ái của Trung ương đối với một tỉnh nghèo! Bởi, chỉ riêng tiến sĩ Trần Kinh Thạch và nhóm cộng sự đã dày công nghiên cứu, hình thành tập tài liệu khoa học đồ sộ, đầy thuyết phục về những giá trị nhiều mặt của cảng biển Kỳ Hà, đóng góp vào quá trình xây dựng nhiều nội dung của đề án khu kinh tế mở.

Nối tiếp “kinh tế mở” là những giá trị ẩn tàng của Quảng Nam lần lượt được phát hiện, nhận diện. Là không gian phát triển rộng lớn vùng tây với tài nguyên rừng, sâm Ngọc Linh và cây dược liệu. Là tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây 2, gắn với đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 14E, 14D và cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Là các di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm và cả trăm cây số bờ biển đầy tiềm năng đối với nhiều loại hình du lịch. Là tài nguyên vàng, khoáng sản, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp Silicat…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với sự “đột phá, khác biệt, toàn diện, bền vững, không na ná các tỉnh, thành khác”.

Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt, là chọn lựa lối đi dựa trên sự phát hiện, khai phóng hiệu quả vị thế địa lý và tiềm năng riêng có của địa phương; với tầm nhìn xa, dài hạn về liên kết và phát triển kinh tế vùng, khu vực, thế giới. Nói vậy để thấy sản phẩm quy hoạch là kết tinh của cả quá trình…

Tầm nhìn và hành động

Nếu như Vùng trọng điểm kinh tế đồng bằng Bắc Bộ có Thủ đô Hà Nội, Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có TP.Hồ Chí Minh là những đầu tàu kinh tế lớn, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt sự vươn lên của cả vùng; thì ở Vùng kinh tế trọng điểm miển Trung chưa có địa phương nào đảm đương nổi vai trò “anh cả”.

dji_0249.jpeg
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam tạo động lực phát triển kinh tế vùng Đông. TRONG ẢNH: Cầu bắc qua sông Cổ Cò vừa được xây dựng.Ảnh: TUẤN CÔNG

Các tỉnh, thành phố trong khu vực với những điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên có nhiều nét tương đồng cứ thế dàn hang ngang… cùng tiến. Hợp tác, hỗ trợ, cùng khai thác lợi thế chung dĩ nhiên là có, nhưng chưa thật sự hiệu quả; thậm chí cạnh tranh nhau trong tầm nhìn ngắn hạn về lợi ích.

Kết quả, trong các giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020, các chỉ tiêu chủ yếu đạt được đều thấp hơn so với Quy hoạch phát triển vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.

Lần này, với Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và quy hoạch cấp tỉnh vừa được các địa phương lần lượt công bố, đã thấy rõ nét hơn định hướng kết nối vùng cũng như lối đi của mỗi địa phương.

Thừa Thiên Huế sẽ sớm trở thành thành phố di sản, trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm đào tạo – nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ cao và logistics gắn với cảng Liên Chiểu và sân bay.

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục xác định mũi nhọn công nghiệp dầu khí, công nghiệp sản xuất thép và cảng nước sâu Dung Quất… Ngoài ra, các địa phương còn có nhiều “trung tâm” khác. Vậy Quảng Nam ở đâu?

Trước tiên, phải khẳng định, miền Trung – Tây Nguyên, hay hẹp hơn là các tỉnh, thành phố lận cận phát triển thì Quảng Nam cũng hưởng lợi một cách tự nhiên, khách quan từ sự cộng hưởng, lan tỏa không gian kinh tế – xã hội chung, nhất là khi kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng, cải thiện.

Về phần mình, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cũng xác định đi lên từ lợi thế của vùng và đóng góp cho cả vùng với những mục tiêu đầy tham vọng: trung tâm công nghiệp chế biến sâu Silicat; trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa, sửa chữa tàu bay và đào tạo phi công; trung tâm công nghiệp dược liệu; trung tâm công nghiệp hỗ trợ và cơ khí ô tô quốc gia; cảng biển, khu phi thuế quan và logistics; du lịch; trung tâm sản xuất, chế biến hàng nông nghiệp công nghệ cao…

Đầu vào và đầu ra của những trung tâm này, chắc chắn không chỉ là sản phẩm, hàng hóa của Quảng Nam và phục vụ riêng cho sự phát triển của Quảng Nam. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng nói, Quảng Nam sẵn sàng và có trách nhiệm với tương lai của vùng.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, những quyết sách táo bạo của Tập đoàn Trường Hải (Thaco) mấy chục năm qua, là minh chứng thuyết phục về những quả ngọt gặt hái được từ việc phát hiện, đánh giá, khai phóng hiệu quả vị trí địa lý, tiềm năng, khả năng bứt phá của Quảng Nam.

Đầu tiên là đặt cược toàn bộ vốn liếng (kể cả đi vay) để làm ô tô trên vùng cát hoang sơ; kế tiếp là xây dựng cảng biển Chu Lai, mua sắm tàu thủy mở tuyến vận tải hàng hóa quốc tế; rồi đầu tư dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, đề xuất hình thành khu công nghiệp hỗ trợ và cơ khí ô tô quốc gia; sau nữa là sẵn sàng bỏ vốn để mở mới luồng tuyến Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn hay cải tạo, nâng cấp đường lên cửa khẩu Nam Giang…

Từ một công ty nhỏ bé, qua hơn hai chục năm, Thaco đã trở thành tập đoàn lớn của cả nước. “Sếu” đầu đàn này tiếp tục sinh ra nhiều “sếu” đầu đàn khác, trong cùng hệ sinh thái Thaco.

“Nhờ Chu Lai, Quảng Nam, tôi trở thành một trong những doanh nhân lớn của đất nước”- ông Trần Bá Dương đã không ngần ngại thừa nhận điều này và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án mới.

Quy hoạch là của Nhà nước. Nhà nước cũng chỉ có thể đầu tư một phần nguồn lực để thực hiện những hạng mục thiết yếu. Kết quả quá trình hiện thực hóa quy hoạch phụ thuộc rất đáng kể vào quyết định của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đương nhiên quy hoạch tốt mới thu hút được đầu tư tốt.

Thaco “mẹ”, những Thaco “con”, và hy vọng sẽ thêm nhiều “Thaco” khác sẽ đến với Quảng Nam, cùng Quảng Nam sớm hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng và trách nhiệm phát triển của cả vùng, xa hơn là với cả một số tỉnh Tây Nguyên.

Theo Báo Quảng Nam