[Quảng Bình] Nhà đầu tư kỳ vọng gì ở Quảng Bình?

Với tiềm năng và sự khác biệt, Quảng Bình được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư. Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư tổ chức tại TP. Hà Nội vào ngày 25/6/2023 vừa qua, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư có những kỳ vọng đối với sự phát triển của Quảng Bình trong thời gian tới.

Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trên các hành lang phát triển kinh tế và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho nhà đầu tư.
Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ gồm Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc-Nam đang khẩn trương thi công; đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông-Tây, Quốc lộ 12A-con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan qua cặp Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Nà Phàu, Quốc lộ 9B nối Việt Nam với Lào qua tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt. Ga đường sắt Đồng Hới là ga chính, có sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La.
Bên cạnh đó, 2 khu kinh tế và 10 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, kinh doanh thương mại dịch vụ.
Nói đến Quảng Bình là nói đến tiềm năng du lịch khác biệt, độc đáo, có bờ biển dài trên 116km với nhiều bãi tắm đẹp; tỷ lệ che phủ rừng trên 68%, đứng thứ 2 cả nước cùng nhiều di tích lịch sử, nhiều di sản văn hóa, tâm linh nổi tiếng, như: Đường Trường Sơn huyền thoại, hang Tám Thanh niên xung phong, bến phà Long Đại, đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Đặc biệt, Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch TP. Hà Nội; Trung tâm Xúc tiến Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội trao thỏa thuận hợp tác.
Bên cạnh đó, du lịch Quảng Bình còn hấp dẫn du khách bởi chuỗi các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc hấp dẫn ở vùng ven biển với hệ thống các sân golf đẳng cấp quốc tế, văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và suối nước nóng Bang đang được đầu tư thành khu du lịch sinh thái, phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản).
Với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đã có nhiều ý kiến tham luận đề cập đến những tiềm năng, lợi thế, sự khác biệt của Quảng Bình cũng như các chính sách của tỉnh đã thực thi để thu hút đầu tư.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tỉnh Quảng Bình có tiềm năng kinh tế và du lịch rất lớn, hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đang được đầu tư và đặc biệt là quan điểm, chiến lược phát triển đã rõ ràng với 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 4 đột phá phát triển và 4 trụ cột phát triển kinh tế đã được khẳng định rõ trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội trình bày tham luận tại hội nghị.
“Quảng Bình đang tích cực cải thiện, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, có cam kết rõ ràng. Cần hành động quyết liệt, duy trì và phát huy được đà, lợi thế mà tỉnh đang có. Trong khâu tổ chức thực hiện cần nghiên cứu để thiết lập một cơ chế và đầu mối thực hiện các nhiệm vụ một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn”, ông Phan Đức Hiếu mong muốn.
Dưới góc độ là một chuyên gia xúc tiến thương mại, trên cơ sở nhìn nhận về những tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, ông Takeo Nakajima,Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, Văn phòng đại diện tại Hà Nội cho rằng, cơ hội đầu tư tại Quảng Bình hiện nay là sản xuất và logistics, năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp bền vững.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, Văn phòng đại diện tại Hà Nội trình bày tham luận tại hội nghị.
“Quảng Bình có dân số gần 1 triệu người và đã phát triển 10 khu kinh tế, khu công nghiệp và hạ tầng logistics, như cảng nước sâu Hòn La và sân bay Đồng Hới. Đây cũng là khu vực thích hợp để phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Hoạt động sản xuất và thương mại với năng lượng tái tạo sẽ đầy triển vọng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Bình có nhiều tiềm năng để trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn nhờ tận dụng lợi thế các di sản thế giới và tài nguyên giải trí. Đầu tư của các công ty FDI đang lan rộng từ các khu vực đô thị đến các thành phố trực thuộc tỉnh và chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn cho Quảng Bình”, ông Takeo Nakajima nhận định.
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình, để hiện thực hóa các mục tiên về phát triển du lịch mà quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, Quảng Bình đang rất cần các nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn chiến lược nhằm khẳng định được thương hiệu “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Hà Nội cho rằng, Quảng Bình là địa phương nhiều tiềm năng và giàu tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch mà không nơi đâu có được. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch của tỉnh còn chưa được đa dạng, tính kết nối của các doanh nghiệp lữ hành của địa phương với các thị trường khách nội địa trọng điểm như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chưa cao và tính kết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chưa thực sự tốt.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty du lịch Hà Nội trình bày tham luận tại hội nghị.
“Để phát triển du lịch gắn với chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 là du lịch “xanh”, đó là phát triển du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách; có sự quản lý, cam kết của các bên giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên, môi trường, cần sự nỗ lực rất lớn từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng các chương trình đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân hoạt động trong lĩnh vực du lịch về công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững”, bà Nguyễn Thị Vân chia sẻ.
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 29 nhà đầu tư/32 dự án và khu vực quan tâm đầu tư với tổng số vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).

Là ngân hàng tiên phong tài trợ dự án trọng điểm quốc gia tại tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Bình là rất to lớn. “Với chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm cao độ, chương trình và kế hoạch hành động chi tiết của lãnh đạo và người dân, chúng tôi tin tưởng tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Vietcombank khẳng định cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, sự phát triển kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng”, ông Vinh cho biết.

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, Quảng Bình có những khó khăn của khí hậu nhưng đồng thời có rất nhiều kỳ quan để phát triển du lịch, qua đó tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội. Để đạt được mục tiêu này cần có hạ tầng giao thông kết nối đi trước một bước. Tuy nhiên với nguồn lưc nhà nước cần phân bổ cho nhiều lĩnh vực khác nhau nên đầu tư theo PPP (hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư) là giải pháp tối ưu. Chính vì vậy, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cùng với đối tác, sau khi nghiên cứu đã đề xuất đầu tư tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới-Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng theo phương thức PPP loại hợp đồng BTL (xây dựng-chuyển giao-thuê dịch vụ).
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả trình bày tham luận tại hội nghị.
“Dự án sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối TP. Đồng Hới và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, từng bước cải thiện, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông của TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thúc đẩy phát triển giao thông, kinh tế xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ logistics, dịch vụ giải trí, phát triển các dự án, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và trên địa bàn TP. Đồng Hới, huyện Bố Trạch nói riêng”, ông Lê Quỳnh Mai khẳng định.
Hội nghị có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước.