Phó Thủ tướng: Quy hoạch đột phá để Tây Nguyên “thức giấc”

Chiều 18/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch vùng Tây Nguyên), với mục tiêu đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Kết hợp tiềm năng với xu thế thời đại để Tây Nguyên “thức giấc”

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, yêu cầu đặt ra đối với một quy hoạch vùng là giải quyết bài toán về quản lý, điều phối, kết nối vùng; xử lý xung đột phát triển giữa các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, những sản phẩm có tính chiến lược, đặc trưng của vùng, quốc gia; kết nối nội vùng và liên vùng.

“Quy hoạch phải chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại để Tây Nguyên “thức giấc” với giá trị mới, theo kịp được những vùng khác; đồng thời gìn giữ, bảo tồn những tài sản vô giá, trường tồn. Đây phải là quy hoạch mà người dân Tây Nguyên thấy được những vấn đề mới nhưng thiết thực, gần gũi”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Theo đó, Quy hoạch vùng Tây Nguyên cần tiếp cận bài bản, tổng thể, toàn diện và hiểu biết sâu sắc những giá trị độc đáo của Tây Nguyên, “giàu tiềm năng nhưng dễ tổn thương”. Cần ưu tiên khoanh định những giá trị độc đáo của Tây Nguyên (khí hậu, thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất, nguồn nước văn hoá…) để bảo tồn, giữ gìn và hình thành những giá trị tài nguyên vô giá, trở thành nguồn lực phát triển độc đáo, nâng cao đời sống của người dân nhưng không phát triển nóng.

Quy hoạch không gian phát triển, đô thị, nông thôn phải giữ được bản sắc, hài hoà với địa hình, cảnh quan, làm định hướng cho hạ tầng kết nối giao thông theo hệ sinh thái, chuỗi giá trị, hành lang kinh tế trong nội vùng và liên vùng.

Trao đổi về một số ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Nguyên, Phó Thủ tướng gợi mở nông nghiệp cần thay đổi theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, sử dụng ít nước, gia tăng giá trị thông qua chế biến, hình thành những sản phẩm quốc gia; khuyến khích năng lượng tái tạo kết hợp thuỷ điện tích năng; phát triển kinh tế lâm nghiệp, thị trường tín chỉ các bon… Đồng thời, Tây Nguyên cần cơ chế, chính sách riêng để tạo chuyển biến căn bản trong quản lý đất đai, nguồn nước, giáo dục, y tế, thúc đẩy hạ tầng số phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Tìm động lực thoát nghèo, thoát “vùng trũng”

Mục tiêu của Quy hoạch Vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình: “3 cực – 3 tiểu vùng – 5 hành lang”, trong đó bám sát theo những đặc điểm và lợi thế của Tây Nguyên, từ đó xây dựng, kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển cho vùng. Do Tây Nguyên cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển lớn, chủ yếu kết nối bằng tuyến đường bộ, chưa có mạng lưới đương cao tốc và đường sắt. Nếu không dựa vào liên kết vùng thì dễ dẫn đến biệt lập. Đồng thời, phải giải quyết hài hoà quan hệ giữa đất – nước – rừng ở Tây Nguyên. Bảo đảm hài hoà sinh thái kinh tế và con người.

Góp ý cho Quy hoạch vùng Tây Nguyên, PGS.TS Bùi Tất Thắng nhấn mạnh, Tây Nguyên phải có đột phá về kết nối liên vùng, trực tiếp là vùng Đông Nam Bộ và tiểu vùng Duyên hải miền Trung; thu hút được nguồn nhân lực, nhất là doanh nhân, gắn với văn hoá, con người, an sinh xã hội…

PGS.TS Bùi Tất Thắng nêu ý kiến

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng cần nhìn nhận tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên gắn với nhu cầu thời đại, vai trò quốc gia hiện nay, để đưa ra những lựa chọn phát triển chiến lược, tháo gỡ các điểm nghẽn về kết nối hạ tầng, cơ cấu kinh tế, suy thoái môi trường, suy giảm bản sắc văn hoá.

PGS.TS Trần Đình Thiên đề xuất, cơ cấu kinh tế của Tây Nguyên cần tiếp cận theo chuỗi giá trị; lấy chiến lược phát triển du lịch làm trục xuyên suốt trong bảo tồn, phát huy giá trị môi trường, hệ sinh thái, bảo tồn giá trị văn hoá các dân tộc.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cũng nêu ý kiến đóng góp về một số nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, phòng chống thiên tai, thuỷ lợi, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, khai thác và chế biến khoáng sản, bảo tồn đa dạng sinh học… tại Tây Nguyên.

Theo Trang VOV.VN