Người Việt Nam cởi mở với thanh toán số và mua sắm trực tuyến
Nghiên cứu mới nhất của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhận thức cao và đang tích cực đón nhận các hình thức ngân hàng số và bán lẻ kỹ thuật số hậu đại dịch. Nghiên cứu cũng đồng thời hé lộ các xu hướng kỹ thuật số triển vọng, sáng tạo trong tương lai.
Theo đó, người tiêu dùng có mức độ quan tâm rất cao đối với các xu hướng kỹ thuật số bao gồm ngân hàng ảo, ngân hàng mở, thực tế ảo tăng cường (AR), thanh toán thông minh, tiền điện tử…
Sự trỗi dậy của ngân hàng số
Ngân hàng kỹ thuật số là một trong những xu hướng đang được quan tâm. Theo Nghiên cứu, 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến dịch vụ ngân hàng ảo, cho thấy nhu cầu lớn về các lựa chọn thay thế cho dịch vụ ngân hàng trực tiếp truyền thống.
Ngoài ra, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có ít nhất 7 người biết đến khái niệm ngân hàng mở. Ngân hàng mở được thiết kế để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện hơn, bằng cách cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp kích hoạt các ứng dụng của bên thứ ba truy cập dữ liệu tài chính ngay lập tức và an toàn. Ngoài ra, phân khúc Gen X và Gen Z là những đối tượng có nhận thức cao nhất về ngân hàng mở và sẵn sàng chia sẻ thông tin liên hệ và thông tin cá nhân của họ.
Sự dịch chuyển sang bán lẻ kỹ thuật số
Sau đại dịch, bên cạnh ngân hàng kỹ thuật số thì bán lẻ kỹ thuật số cũng đánh dấu sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ. Các xu hướng trong lĩnh vực này được dự đoán vẫn sẽ phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam trong tương lai.
Những xu hướng này bao gồm thực tế ảo tăng cường (AR), cho phép người tiêu dùng thử, cá nhân hóa hoặc hình dung sản phẩm thông qua camera trên điện thoại cá nhân khi trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Cứ 5 dùng người Việt thì có 4 người biết về khái niệm sử dụng AR để mua sắm bán lẻ và 3 trên 10 người đã sử dụng phương thức này. Phân khúc Gen Z và Gen X có tỷ lệ sử dụng AR cao nhất. Mặc dù việc sử dụng AR chưa phổ biến, nhưng người tiêu dùng coi đây là một tính năng ngày càng quan trọng, đặc biệt là khi quyết định có nên mua một sản phẩm đắt tiền hay không.
Một xu hướng bán lẻ kỹ thuật số khác được quan tâm là thanh toán thông minh, cho phép người tiêu dùng quét các mặt hàng khi họ chọn chúng và tạo một giỏ hàng kỹ thuật số để thanh toán mà không cần quét hàng hóa khi kết thúc chuyến mua sắm. Gần một nửa người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu là Gen Z đã thử thanh toán thông minh. Các yếu tố thu hút sự quan tâm của đa số người tiêu dùng đối với thanh toán này gồm: tốc độ nhanh chóng và tiện lợi, tính mới mẻ, khả năng cân đối ngân sách khi có thể xem tổng hóa đơn trước khi thanh toán.
Nghiên cứu cũng chỉ ra trong tương lai người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng rằng gần 8 trên 10 đơn đặt hàng sẽ được giao tận nhà. Tại Đông Nam Á, trung bình 4 trên 5 người tiêu dùng trong khu vực (82%) cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến, tỷ lệ này cao nhất tại Indonesia (92%) và Việt Nam (89%). Có thể nói, mua sắm đã không dừng lại ở trải nghiệm mua – bán trực tiếp mà đang mở rộng ra các hình thức mới, số hoá và mang lại nhiều tiện ích hơn.
Chuẩn bị cho các xu hướng kỹ thuật số trong tương lai
Người tiêu dùng Việt Nam cũng rất quan tâm đến một số xu hướng kỹ thuật số được dự đoán sẽ phổ biến trong tương lai. Đơn cử, khoảng 70% người tiêu dùng Việt Nam tham gia nghiên cứu quan tâm đến các xu hướng kỹ thuật số mới nổi như tiền điện tử, NFTs và Metaverse. Âm nhạc, video và tranh vẽ là các hình thức NFTs được giao dịch phổ biến nhất. trên 10 người tiêu dùng Việt Nam muốn biết thêm về Metaverse hoặc cách trải nghiệm hình thức mới này.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận các phương thức và nền tảng bán lẻ kỹ thuật số vì sự tiện lợi và thông minh mà các hình thức này mang tới. Dựa trên những phân tích từ Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và đối tác của chúng tôi có thể xác định và nắm bắt cơ hội tại những thời điểm vàng, đảm bảo rằng dịch vụ của mình là phù hợp với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng trong tương lai”.